Lực lượng vũ trang nhân dân Thủ Đức trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Lực lượng vũ trang nhân dân Thủ Đức trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Năm 1954, sau thất bại trên chiến trường Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết rút khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, ngay sau đó, đế quốc Mỹ từ lâu chờ sẵn đã nhảy ngay vào tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, âm mưu biến miền Nam nước ta thành “thuộc địa kiểu mới” của chúng. Để thực hiện âm mưu đó, Mỹ đã dựng lên chính quyền, quân đội tay sai, ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam. Đứng trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng Khóa III – Lần thứ 12 (mở rộng) tổ chức vào cuối tháng 3/1957 xác định nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; một lần nữa khẳng định nhiệm vụ “chống Mỹ cứu nước” là nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc ta trên cả 02 miền Nam – Bắc. Từ đó đề ra quyết tâm “Cần phải động viên lực lượng của cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”; tiến tới thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước.

Liệt sỹ Võ Văn Đực (tức Một Đồng) (1928 – 1964) – Chiến sỹ Đại Đội 5, Tiểu đoàn 500, đơn vị Vũ trang đầu tiên của Thủ Đức

* Phong trào đấu tranh gìn giữ hòa bình, đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Thủ Đức

Từ năm 1954 đến năm 1960, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến hành đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam bằng mọi âm mưu, thủ đoạn tàn bạo nhất như: Lê máy chém đi khắp chiến trường miền Nam (Luật 10/59), bắt bớ, bắn, giết, trả thù những người kháng chiến cũ…

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Gia Định, Đảng bộ Huyện Thủ Đức đã lãnh đạo nhân dân trong huyện đấu tranh quyết liệt với kẻ thù bằng nhiều hình thức như: tổ chức mít tinh, biểu tình, gửi đơn kiến nghị đòi các quyền dân sinh, dân chủ và đã giành được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, Đảng bộ huyện Thủ Đức cũng bị một số tổn thất đáng kể về lực lượng cán bộ, đảng viên; đã có hàng trăm người bị địch bắt tù đày và hy sinh, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch truy lùng gắt gao nên phải tạm lánh đi nơi khác.

* Sự ra đời của Lực lượng vũ trang Thủ Đức

Đứng trước tình hình đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa II – Lần thứ 15 (13/01/1959) đã thông qua Nghị quyết, nêu rõ “Ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác để tự giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Con đường đó lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Thực hiện theo chủ trương trên, Tỉnh ủy Gia Định đã chỉ đạo Thủ Đức gấp rút thành lập “Đội vũ trang tuyên truyền” để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân.

Tháng 7/1960, Huyện ủy Thủ Đức đã quyết định chọn những thanh niên ưu tú nhất trong phong trào đấu tranh chính trị để thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên của Huyện. Đơn vị vũ trang đầu tiên lấy phiên hiệu là “Đại đội 5 – Tiểu đoàn 500”. Lúc mới thành lập, đơn vị chỉ có 05 người gồm: 04 chiến sĩ (Một Đông, Hai Tây, Ba Nam, Tư Bắc) và 01 chỉ huy là đồng chí Nguyễn Văn Mạnh (tức Tà Mun) – Huyện ủy viên – phụ trách với vũ khí vỏn vẹn là 03 khẩu súng.

Dù ra đời với quy mô rất khiêm tốn nhưng “Đại đội 5 – Tiểu đoàn 500” đã làm nòng cốt, làm chỗ dựa vững chắc cho “phong trào Đồng khởi ở Thủ Đức”. Đơn vị đã đánh hàng loạt trận, tuy còn mang tín nhỏ lẻ nhưng đã đạt được mục đích “tiêu hao sinh lực địch, thu vũ khí, bảo tồn lực lượng” như: Diệt 02 sĩ quan địch ở Liên trường Võ khoa Thủ Đức; phục kích bọn dân vệ ở ấp Trung, xã Linh Xuân; diệt bót dân vệ ở xã Hiệp Bình…

* Sự trưởng thành và phát triển của Lực lượng vũ trang Thủ Đức

Từ chỗ chỉ có 05 người lúc mới thành lập, dần dần, lực lượng vũ trang Thủ Đức phát triển lên thành tiểu đội, rồi trung đội. Đơn vị tiếp tục tổ chức các trận đánh nhằm tiêu hao sinh lực địch và thu vũ khí của địch để tự trang bị cho mình. Tính đến cuối năm 1960, lực lượng vũ trang huyện Thủ Đức đã đánh 11 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 153 tên địch. Đồng thời với nhiệm vụ vừa tác chiến, đơn vị vừa làm nhiệm vụ yểm trợ cho phong trào “diệt ác, phá kềm” của nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị đã trừng trị 20 tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.

Năm 1961, phong trào cách mạng ở miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang để đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Trong đó, thành tựu lớn nhất của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là đã làm phá sản 01 trong 03 nội dung quan trọng của kế hoạch Staley-Taylor với dã tâm hòng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng bằng “quốc sách ấp chiến lược” của bọn Mỹ – ngụy.

Để đối phó với âm mưu của địch, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ thị “Phá ấp chiến lược và gom dân của địch là vấn đề quyết định cho việc duy trì và mở rộng phong trào”. Thực hiện Chỉ thị đó, huyện Thủ Đức đã gấp rút xây dựng các Chi bộ bí mật, lực lượng du kích mật, an ninh mật trong các ấp chiến lược; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động vũ trang để hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch ngay từ bên trong các ấp chiến lược. Đầu năm 1962, lực lượng vũ trang huyện Thủ Đức đã cùng với du kích và nhân dân đánh sập một loạt các cây cầu: Gò Công, Trau Trảu, Võ Khế, Ông Nhiêu… trên trục lộ 33, cắt đứt đường giao thông của địch; đồng thời phá kìm, diệt ác, phá tan các ấp chiến lược: Phước Thiện, Trường Lưu, Ích Thạnh, Bình Chiểu, Bình Đức, Đồng An…

Đ/c Ngụy Hữu Mại – Nguyên Đội trưởng Đội 8 – Đặc công cánh Bắc Thủ Đức chỉ huy trận đánh vào sân bay Đề Pô Dĩ An năm 1972

* Chiến công nối tiếp chiến công của Lực lượng vũ trang Thủ Đức

“Chiến lược Chiến tranh đặc biệt” với “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ ngày càng khủng hoảng nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ đã nhận thấy rõ rằng chúng có thể bị thất bại hoàn toàn nếu không thay đổi chiến lược của cuộc chiến tranh ở miền Nam. Vì vậy, ngày 01/04/1965, Mỹ đã chính thức chuyển chiến lược sang “Chiến tranh Cục bộ” bằng việc đưa quân Mỹ và quân chư hầu ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, thực hiện kế hoạch “Tìm diệt và Bình định”, triển khai quân Mỹ trên khắp các chiến trường, tiến hành phản công chiến lược nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta; sau đó, tiến hành bình định, kiểm soát các vùng nông thôn.

Đến giữa năm 1965, ở Thủ Đức đã có khoảng 6.000 tên lính Mỹ và 2.000 lính Đại Hàn cùng 20.000 lính ngụy. Với lực lượng hùng hậu đó, địch đã mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn vào các vùng căn cứ của ta.

Về phía ta, dự đoán được diễn biến leo thang chiến tranh xâm lược của Mỹ, theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam, ngay từ tháng 4/1965, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đã chỉ đạo gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch X (Mật danh của kế hoạch Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968). Theo kế hoạch đó, chiến trường Sài Gòn – Gia Định được tổ chức thành 05 phân khu để chuẩn bị tấn công vào thành phố Sài Gòn khi thời cơ đến. Huyện Thủ Đức thuộc 02 phân khu (Phân khu 4 và Phân khu 5). Chấp hành mệnh lệnh của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Thủ Đức đã chọn lựa các đoàn viên, thanh niên ưu tú, các chiến sĩ tự vệ và du kích đưa lên huấn luyện ở Trung tâm huấn luyện Lò Gò, Tân Biên (Tây Ninh). Tháng 8/1965, từ Trung tâm huấn luyện, các tiểu đoàn được thành lập đã lần lượt trở về đóng quân trên chiến trường Thủ Đức. Tiểu đoàn 3 về Dĩ An và Bắc Thủ Đức; Tiểu đoàn 4 về Nam Thủ Đức. Từ đây, phong trào thi đua “tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”, thi đua giành các danh hiệu: “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “dũng sĩ diệt máy bay”,… được phát động. Lực lượng vũ trang Thủ Đức đã hăng hái hưởng ứng bằng các trận đòn liên tiếp giáng vào đầu kẻ thù: Đầu năm 1966, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 3 – Bắc Thủ Đức kiên cường chống trả cuộc càn quét qui mô lớn của địch với trên 6.000 quân có xe thiết giáp và pháo binh yểm trợ. Trận đánh diễn ra suốt 55 ngày đêm, ta đánh trả quyết liệt khiến địch bị thiệt hại nặng, một đại đội lính Mỹ và một trung đội biệt kích Ngụy bị tiêu diệt, hàng chục chiếc xe M113 bị ta bắn cháy.

Đêm 18/04/1966, đội Biệt động Thủ Đức hóa trang tập kích vào Trung tâm huấn luyện Yết Kiêu của Thủy quân Lục chiến địch tại Thị trấn Thủ Đức. Lực lượng ta sử dụng các loại súng: M79, B40, AK và mìn ĐH10, lựu đạn bất ngờ tập kích vào căn cứ địch khiến chúng trở tay không kịp. Kết quả, ta đã tiêu diệt trên 200 tên địch, trong đó có 02 Ban chỉ huy của tiểu đoàn đến nhận quân.

Sáng ngày 19/01/1970, các đồng chí: Võ Văn Hữu, Nguyễn Văn Đâu và đồng chí Nhuyễn của lực lượng vũ trang Thủ Đức đã táo bạo, bất ngờ phục kích một đại đội học viên sĩ quan của Liên trường sĩ quan Thủ Đức tại khu vực đoạn giữa Cầu Xây và cầu Bến Nọc (nay thuộc đường Lê Văn Việt). Các đồng chí của ta đã dùng mìn ĐH8, ĐH10 và mìn Claymore hướng vào đội hình hành quân của địch và cho mìn phát nổ, trên 75 tên địch nằm la liệt trên vũng máu.

Đêm 12, rạng sáng ngày 13/10/1971, tổ đặc công của đồng chí Ngụy Hữu Mại bí mật đột nhập căn cứ địch tại khu vực Nhà máy xe lửa Dĩ An (Đề-pô xe lửa Dĩ An), dùng mìn và thủ pháo phá hủy 05 chiếc máy bay trực thăng cùng nhiều thiết bị chiến tranh của địch.

Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 15/03/1972, tại Vàm Đồng Môn bên bờ sông Đồng Nai, 05 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị K10 – Đặc công nước Thủ Đức gồm các đồng chí: Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Cầu Thí, đồng chí Khai, đồng chí Lịch và đồng chí Thính đã phục kích, dùng B41 đánh chìm toàn bộ đoàn tàu và xà lan chở 20.000 tấn bom đạn của địch xuống đáy sông sâu.

Sau hàng loạt những thất bại nặng nề của chiến lược “chiến tranh Cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris (1973), cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ lại tiếp tục trắng trợn phá hoại Hiệp định Paris, tiếp tay cho ngụy quyền Sài Gòn ngoan cố mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” nhằm bình định, lấn chiếm vùng giải phóng của ta, giành đất, giành dân và xóa thế “da báo”. Trước tình hình đó và trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng thực tiễn, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa III (1973) tiếp tục khẳng định “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”.

Thực hiện đường lối đúng đắn đó, Huyện ủy Thủ Đức đã lãnh đạo quân dân đất Thủ liên tục tiến công địch và giành được thắng lợi lớn trên cả mặt trận quân sự và chính trị, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.lên kế hoạch để đánh trả kẻ thù.

Sáng 28/01/1973, bộ đội địa phương Thủ Đức và du kích đã phối hợp chống lại các cuộc càn quét lấn chiếm của địch ở các xã: Long Bình, Long Trường, Long Phước, Tăng Nhơn Phú, Phước Long, Bình Trưng…gây cho địch nhiều tổn thất.

Đến giữa tháng 4/1975, sau những thất bại liên tiếp ở khắp các chiến trường, một nửa binh lực của quân ngụy đã bị tiêu diệt, địch đang trong thế tan rã hầu như không gì có thể cứu vãn nổi. Trước tình hình đó, Đảng lãnh đạo quyết định mở chiến dịch tiến công chiến lược mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa.

Góp phần trong “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, nhiệm vụ của Thủ Đức lúc này là phải chiếm giữ nguyên vẹn Thị trấn Thủ Đức, Liên trường sĩ quan Chợ Nhỏ, các nhà máy: Điện, nước, xi măng Hà Tiên, Kho tồn trữ… Sau đó, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định lại giao thêm nhiệm vụ cho Thủ Đức “bằng mọi giá phải chiếm và giữ nguyên vẹn cầu Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc và dọc tuyến xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa” để tạo điều kiện thuận lợi cho đại quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Chấp hành mệnh lệnh được giao, khoảng 3 giờ sáng ngày 28/04/1975, bộ đội địa phương huyện Thủ Đức phối hợp với Lữ đoàn đặc công 316 nổ súng đánh chiếm cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Trong vòng 15 phút chiến đấu, lực lượng ta đã làm chủ được cả 02 cây cầu.

Sáng ngày 30/04/1975, trên đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh đã ra lệnh cho tất cả lực lượng quân sự của chế độ ngụy quyền Sài Gòn ai ở đâu phải ở đó, chờ lệnh bàn giao cho quân giải phóng. Lúc này, trên xa lộ Biên Hòa, đoàn xe tăng chủ lực của ta đang tiến vào giải phóng Sài Gòn. Quân ngụy ở Liên trường sĩ quan Thủ Đức trông thấy đoàn xe tăng của ta liền quăng súng ống, cởi bỏ quần áo, giày, nón chạy tán loạn. Ở nhiều đồn, bót khác, quân địch cũng vội vã tháo chạy, một số bị du kích và quần chúng nhân dân bao vây, bắt sống. Trên xa lộ Đại Hàn, đồng chí Nguyễn Văn Tây, anh hùng LLVTND, đứng phất cờ, chặn bắt 12 xe tăng của địch; đồng thời, ra lệnh cho địch trên xe hạ nòng pháo xuống và cắm cờ của Mặt trận giải phóng trên xe tăng.

Sau ngày 30/04/1975, chính quyền về tay Nhân dân, Thủ Đức thành lập Ủy ban quân quản để lo bảo đảm an ninh trật tự, thu gom chiến lợi phẩm và yêu cầu lính ngụy ra đăng ký trình diện chính quyền cách mạng.

Đ/c Võ Văn Hữu – Ngụ tại xã Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức (nay thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9), người chỉ huy trận phục kích tại khu vực cầu Bến Nọc ngày 19/01/1970 tiêu diệt 75 tên địch

* Sáng mãi niềm tự hào của LLVTND Thủ Đức trên chặng đường 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Tổng kết cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chỉ trong vòng 15 năm xây dựng và phát triển (từ 1960 đến 1975), Lực lượng vũ trang Thủ Đức đã loại khỏi hàng ngũ chiến đấu trên 10.000 tên địch (trong đó có trên 1.000 tên lính Mỹ và lính các nước chư hầu); phá hủy hàng trăm xe quân sự, trên 20 máy bay, 15 đoàn tàu hỏa và nhiều tàu thủy của địch. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – Mùa xuân năm 1975 – Lực lượng vũ trang Thủ Đức đã làm tan rã trên 40.000 quân ngụy, chiếm giữ nguyên vẹn cầu Sài Gòn và xa lộ Biên Hòa để tạo điều kiện thuận lợi cho đại quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng Thành phố Sài Gòn trưa ngày 30/04/1975.

Với những thành tích đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tập thể lực lượng vũ trang Thủ Đức cùng với 19 cá nhân của đơn vị đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng danh hiệu cao quí “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Ngày nay, trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng vũ trang Thủ Đức lại một lần nữa trở thành một trong những lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch, góp phần cùng các cấp, các ngành, Đảng bộ và chính quyền Thành phố đẩy lùi dịch bệnh, xứng đáng với hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” thân thương trong con mắt không chỉ của người dân Thủ Đức.

Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội của dân, do dân và vì dân, được sinh ra và trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập (22/12/1944 – 22/12/2021), 32 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2021), chúng ta một lần nữa luôn khẳng định theo đuổi hòa bình là mục tiêu và chủ trương nhất quán, bền bỉ. Nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng luôn chuẩn bị tinh thần và tâm thế để sẵn sàng đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Trọng trách nặng nề mà vinh quang ấy, Đảng và Nhân dân ta tin tưởng đặt trọn niềm tin vào những “Anh bộ đội cụ Hồ”, những người con từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.

Mãi tự hào về các anh, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó có lực lượng vũ trang thành phố Thủ Đức!

——————-

Truyền thống thành phố Thủ Đức//Lynh Trang – Kiều Thiện

 

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*