75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021) – Khí phách của một dân tộc yêu nước!

75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021) – Khí phách của một dân tộc yêu nước!

 

Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 19/8/1945 đánh dấu sự nghiệp kháng chiến chống Pháp và phong kiến của dân tộc Việt Nam kết thúc thành công vẻ vang, mở ra bước ngoặt vĩ đại cho dân tộc Việt Nam với nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Sự kiện đó đã thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên khắp thế giới. Trong khi đó, các nước đế quốc và lực lượng đồng minh hết sức lo sợ. Chúng tìm mọi cách để khủng bố, đàn áp nhằm đè bẹp lòng yêu nước của người dân ở các nước thuộc địa.

Ở Việt Nam, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Pháp không dễ chấp nhận thất bại, từ bỏ những lợi ích kinh tế, quân sự, chính trị ở Đông Dương mà họ đã xây dựng trong gần 100 năm. Do đó, dưới sự ủng hộ của Mỹ, Anh và đồng minh, Pháp đã quyết tâm tái xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Trong tình thế đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm mọi cơ hội để hòa hoãn nhằm kéo dài thời gian hòa bình cho một dân tộc vừa bước ra khỏi khói lửa chiến tranh.

Thế nhưng, trước những hành động ngoan cố của Pháp và đồng minh với quyết tâm xâm lược Việt Nam và Đông Dương lần nữa, ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cùng Nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược. Tối cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” với nội dung:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Phát lệnh toàn quốc khác chiến tại các của ngõ Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hiệu triệu sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng chống Pháp với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi và mọi tầng lớp trong xã hội đã nhất tề đứng lên chống Pháp.

Thủ đô Hà Nội với vai trò là cơ quan đầu não của cả nước đã trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Sau “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô đã đồng loạt tấn công chủ động, bất ngờ vào quân Pháp dù chênh lệch lớn về lực lượng, sự hiện đại của vũ khí. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân Thủ đô kiên cường bám trụ, giành với địch từng mái nhà, góc phố, con đường. Với thế trận chiến tranh nhân dân, quân và dân Thủ đô đã làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân Pháp trong thành phố nhiều ngày để tạo điều kiện cho cả nước triển khai thế trận chiến đấu trường kỳ, “tiêu thộ kháng chiến”, giúp các cơ quan đầu não, lực lượng chủ lực rút về căn cứ địa Việt Bắc an toàn vào tháng 3/1947.

Quân và dân Hà Nội đào giao thông hào ngay trong Bắc bộ phủ, sẵn sàng chiến đấu chống giặc. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Cùng với Hà Nội, quân và dân trên khắp các vùng miền Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống Pháp với ý chí căm thù giặc sục sôi, với niềm tin tất thắng. Ở Nam Bộ, quân và dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ.

Đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chính phủ đã phát huy tối đa truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để Đảng, Chính phủ và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo quân và dân cả nước đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của Pháp, tạo tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, mà chiến thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 là điển hình.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: http://hochiminh.vn/)

Ngày 19/12/2021, kỷ niệm 75 năm ngày “Toàn quốc kháng chiến” là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận và khẳng định tài năng, sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo quân và dân Việt Nam vượt qua những tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” để giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc giữ nước và dựng nước ở xã hội hiện đại.

Quá khứ đau thương đã khép lại. Bước vào thế kỷ 21, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang từng bước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội của nhân dân Việt Nam trong những năm qua đã được bạn bè quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, Việt Nam đang và sẽ đối diện với những thử thách to lớn, hiểm nguy không kém trong thời chiến. Điển hình là đời sống của nhiều người dân còn khó khăn, nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền còn phức tạp, ô nhiễm môi trường, ngày càng nghiêm trọng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn còn ra sức chống phá chế độ… Tất cả những thử thách trên đòi hỏi Đảng và Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống sáng tạo, dũng cảm, kiên trì để lãnh đạo quân và dân Việt Nam vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu lớn hơn trong tương lai.

————————–

Nguồn : Nguyễn Hồ Phong; thanhuytphcm.vn)

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*