Khi công đoàn cơ sở sẻ chia khó khăn với lao động nữ
Tăng ca để tăng thêm thu nhập, nhiều lao động nữ khó khăn khi phải lựa chọn cân bằng giữa công việc và gia đình. Chính vì vậy, nhiều công đoàn cơ sở đã thấu hiểu và chú trọng nhiều hơn trong việc bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.
Xây dựng trường mầm non để hỗ trợ cho con em công nhân
Thực tế cho thấy, không ít gia đình nhiều lao động nữ phải lựa chọn cách gửi con ở quê với ông bà để hai vợ chồng có thể tìm được nhiều cơ hội việc làm ở các thành phố lớn. Nhiều công nhân phải sống xa nhà, ngoài việc chỗ ăn ở không ổn định, họ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như mất việc làm, thu nhập bấp bênh.
Theo ThS. Lê Thị Huyền Trang – Viện Công nhân và Công đoàn, trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ em có vai trò rất quan trọng trong xây dựng thị trường lao động, việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ em là con công nhân, nhất là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan mà một bộ phận trẻ em là con công nhân không nhận được sự quan tâm giáo dục cần thiết từ cha mẹ, việc giáo dục con cái vô tình “phó mặc” cho nhà trường và xã hội. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Các con sẽ lớn lên và phát triển như thế nào trong tương lai?
Nắm được tâm tư của nhiều công nhân nữ mà nhiều công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã có những giải pháp hỗ trợ con em công nhân bằng cách xây dựng các trường mầm non ngay tại khuôn viên làm việc để tiện cho việc công nhân đưa đón con đi học, yên tâm làm việc.
Trường Mầm non May 10, thuộc Tổng công ty May 10 (Sài Đồng – Long Biên – Hà Nội). Từ những ngày đầu thành lập cho đến hiện tại, Trường Mầm non May 10 với gánh vác trên vai sứ mệnh vô cùng giản dị nhưng hết sức cao cả đó là giúp chăm sóc, nuôi dạy các cháu nhỏ là con cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty để bố mẹ yên tâm lao động, công tác.
Ngôi trường này mang nhiều ưu thế so với các trường trong khu vực lân cận và trở thành điểm gửi gắm tin cậy cho rất nhiều gia đình công nhân là nhận trông giữ trẻ cả thứ 7 và các tháng hè mà không hề tăng thu học phí. Điều này giúp cho bố mẹ không bị xáo trộn công tác khi phải bố trí người trông con trong các dịp này. Trường còn bố trí giáo viên đón trẻ sớm hơn (trước 7 giờ sáng), trả trẻ muộn hơn (sau 6 giờ chiều) và cũng không hề có phụ thu, thuận lợi cho phụ huynh là công nhân gấp gáp về giờ làm ca kíp.
Hơn nữa, Trường còn nhận trông các cháu từ 6 tháng tuổi trở lên, trong khi hầu hết các trường khác chỉ nhận trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi. Điều này xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông đối với những trở ngại của phần đông lao động nữ khi phải quay trở lại làm việc sau thời kì nghỉ thai sản.
Với mục tiêu hoạt động chính là giúp đỡ, chăm lo cho con em người lao động (NLĐ) nên con của các công nhân nữ gửi tại đây còn được Tổng công ty May 10 hỗ trợ học phí, giúp cho gia đình NLĐ giảm bớt được gánh nặng về cuộc sống.
“Siêu thị Công đoàn” giúp cho lao động nữ tiết kiệm được chi phí
Với nhiều lao động nữ tại các doanh nghiệp sản xuất hay trong các khu công nghiệp, sau giờ tan ca, công nhân lao động không có thời gian đến các chợ để mua sắm những vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm để phục vụ nhu cầu hằng ngày. Hơn nữa, việc cân đối ngân sách thu chi cũng là vấn đề lớn đối với NLĐ, nhất là lao động nhập cư khi gánh nặng về tiền nhà, tiền ăn, tiền gửi con ở mức cao.
Chính vì vậy, nhiều công đoàn cơ sở đã đề xuất xây dựng mô hình “Siêu thị Công đoàn” tại công ty, nhằm đáp ứng những mặt hàng thiết yếu cho đoàn viên công đoàn, NLĐ với mức giá thấp hơn thị trường. Với những công nhân xa quê, điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp công nhân giảm bớt được một phần áp lực.
“Mua hàng hóa ở “Siêu thị Công đoàn” thì tiện lợi hơn. Hàng hóa ở đây đủ cả, không thiếu thứ gì so với bên ngoài, lại tranh thủ được thời gian.
Ưu điểm là giá cả ở đây rẻ hơn so với tạp hóa ở bên ngoài. Mua đồ tại đây giúp tôi tiết kiệm được một phần chi phí trong bối cảnh giá cả hàng hoá tăng cao” – một nữ công nhân Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam chia sẻ khi mua hàng ở “Siêu thị Công đoàn”.
“Hiệu quả của siêu thị mang lại là giúp NLĐ mua được hàng hóa thuận tiện, rẻ và tiết kiệm hơn. Thông qua mô hình này nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công đoàn với NLĐ. Giúp đoàn viên có điều kiện đảm bảo phúc lợi tốt hơn, tạo sự gắn bó, tin tưởng giữa đoàn viên với tổ chức Công đoàn, Công ty”. Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam chia sẻ.
“Siêu thị Công đoàn” ra đời ngày càng nhiều đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ công nhân lao động giải quyết phần nào khó khăn trong đời sống. Mô hình này phục vụ thiết thực cho công nhân lao động, góp phần giải phóng nhiều sức lực cho lao động, nhất là lao động nữ, họ không mất nhiều thời giờ cho việc chợ búa mà vẫn mua được hàng tiêu dùng với giá ưu đãi.
Minh Anh/Người Lao Động