Hoạt động “03 tại chỗ” nỗi niềm và khó khăn của người lao động

Hoạt động “03 tại chỗ” nỗi niềm và khó khăn của người lao động

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với chính sách của Nhà nước, một số doanh nghiệp vẫn được tạo điều kiện để tổ chức hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, nhằm giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, giải quyết tốt tình hình việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu kép vừa sản xuất an toàn, vừa chống dịch hiệu quả trên địa bàn toàn Thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” cũng còn nhiều vấn đề phát sinh, như: giải quyết nơi nghỉ, nơi sinh hoạt cá nhân cho người lao động khi ở lại doanh nghiệp sau thời gian hoạt động sản xuất; bên cạnh đó, việc tổ chức bữa ăn hàng ngày cho người lao động cũng phải được tính toán kỹ lưỡng sao cho đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh từ nguồn tiếp xúc bên ngoài,… đó là những vấn để cơ bản mà doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” cần phải thực hiện một cách chặt chẽ để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị.

Nơi nghỉ sạch sẽ, thoáng mát sau giờ làm của công nhân công ty cổ phần Gas Thủ Đức thực hiện “03 tại chỗ”

Về phía người lao động, duy trì được công việc trong tình hình dịch bệnh hiện nay là một may mắn và hạnh phúc lớn; tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều áp lực phải cố gắng vượt qua là vấn đề gia đình, đối với một số lao động có chồng (vợ) và con nhỏ thì nỗi niềm này lại càng tăng gấp đôi, nếu không vì việc làm và đồng lương thu nhập để trang trải cuộc sống thì có lẽ áp lực nỗi xa chồng (vợ), nhớ con giữa tâm dịch sẽ không thể nào vượt qua được. Là doanh nghiệp có hơn 200 lao động với ngành nghề cung cấp sản phẩm gas cho thị trường, từ khi dịch bùng phát trở lại, công ty phải áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” để đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa dịch hiện nay. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phan Thị Hoa, cán bộ công đoàn cơ sở công ty cổ phần gas Thủ Đức nói: “cái khó nhất của người lao động khi thực hiện 3 tại chỗ là nhớ gia đình, nhớ con (chồng/vợ), cộng thêm lạ nơi sinh hoạt nên việc ăn ngủ cũng khó, chính điều này cũng dẫn đến áp lực về an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị”; chị còn chia sẻ thêm: “để đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp thực hiện tốt phương án “03 tại chỗ”, Ban Chấp hành công đoàn đã nổ lực hết mình, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, mỗi cán bộ công đoàn cơ sở còn kiêm thêm việc chuẩn bị bữa ăn, kiểm tra sức khoẻ cho người lao động, đặc biệt là sau mỗi tối là phải lo “đồ xông” để thanh độc cơ thể, đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người lao động trong tình hình dịch bệnh hiện nay”.

Theo báo cáo từ công đoàn có sở, tính đến ngày 25/8/2021, có 79 doanh nghiệp với 3.839 lao động thực hiện phương án “03 tại chỗ”, 03 doanh nghiệp thực hiện “01 cung đường 2 điểm đến” với 42 lao động. Trước đó ngày 22/8/2021 vừa qua, để chia sẻ những khó khăn với người lao động và đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất, Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức đã đến thăm hỏi, động viên người lao động an tâm làm việc để cùng doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu kép “vừa sản xuất – vừa chống dịch”, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người thực hiện tốt nguyên tắc 5K để góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt trên địa bàn Thành phố. Dịp này Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức cũng đã trao hỗ trợ 1.027 suất quà cho đoàn viên, công nhân lao động ở 21 công đoàn cơ sở trực thuộc để tăng cường nguồn nhu yếu phẩm, cải thiện bữa ăn, nâng cao sức khoẻ để làm việc và phòng, chống dịch bệnh.

Đ/c Nguyễn Văn Đăng – PCT LĐLĐ Tp. Thủ Đức trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cho đoàn viên CĐCS công ty TNHH New Edge

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt mục tiêu sản xuất kinh doanh, Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức sẽ tiến hành rà soát, nắm tình hình các doanh nghiệp “03 tại chỗ” tiến tới các hoạt động chăm lo và tăng cường công tác hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021. Đây là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa rất lớn đối với đoàn viên, người lao động trước những khó khăn hiện nay; qua đó cũng khẳng định vị trí, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với xã hội, luôn đồng hành vì giai cấp, vì sự phát triển của đất nước.

 

-Thành Non-

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*