Công đoàn cơ sở làm gì để đảm bảo an toàn, sức khỏe Người lao động khi tăng thời giờ làm thêm
GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam gợi mở các giải pháp Công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động (NLĐ) khi thực hiện điều chỉnh thời giờ làm thêm theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tác hại của làm thêm giờ là không thể phủ nhận
Theo GS.TS Lê Vân Trình, các nghiên cứu trong ngoài nước đều khẳng định, khi làm thêm giờ, NLĐ sẽ bị các tác động ngắn hạn (chấn thương hoặc tai nạn cấp tính, mệt mỏi, khó ngủ, huyết áp cao) và tác động lâu dài (rối loạn cơ xương, khuyết tật khi nghỉ hưu, rối loạn chuyển hóa sinh hóa, bệnh tim mạch).
Việc thường xuyên làm việc quá 50 giờ/tuần tạo thành căng thẳng nghề nghiệp đáng kể, làm giảm sự hài lòng trong công việc và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa thời gian làm thêm trên 60h/tháng với sức khỏe NLĐ ở một nhà máy may Trung Quốc có 18.000 công nhân cho thấy: 18% bị kiệt sức sau 2 tháng làm việc, 17% bị đau cơ – xương – khớp, 11% bị trầm cảm. Các trường hợp NLĐ bị nhồi máu cơ tim cấp tính tăng lên 2,5 lần.
Kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH) trên 14.800 công nhân ở một số ngành, nghề thường phải làm thêm giờ cho thấy: tỉ lệ tai nạn lao động ở những người thường xuyên làm việc thêm 2h/ngày tăng 17%; ở những người thường xuyên làm thêm trên 3,5h/ngày tăng 29% so với nhóm người không làm thêm giờ. Nguyên nhân là do càng làm thêm giờ, NLĐ càng tăng độ mệt mỏi, khó khăn khi thực hiện công việc theo đúng quy trình thao tác, mỏi mắt…
“Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho NLĐ, về lâu dài cần có nghiên cứu tổng thể để quy định làm thêm giờ phù hợp với thể chất của NLĐ Việt Nam. Đồng thời đảm bảo chế độ tiền lương làm thêm theo giờ và tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra… Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề về thu nhập, sức khỏe nên các doanh nghiệp cần chú ý hơn nữa các giải pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho họ khi làm thêm giờ” – GS. Lê Vân Trình nhấn mạnh.
Công đoàn cơ sở tham gia đảm bảo an toàn và sức khỏe cho NLĐ khi làm thêm giờ
Theo GS.TS Lê Vân Trình, trong khi làm việc, NLĐ chịu sự tác động của 3 nhóm yếu tố chính đến sức lao động và an toàn, sức khỏe.
Về nhóm yếu tố tâm sinh lý: bao gồm các tải trọng về thể lực, tải trọng tâm sinh lý, cường độ nặng nhọc (khối lượng công việc lớn), nhịp điệu lao động cao (làm việc theo dây chuyền) và gánh nặng lao động.
Về nhóm yếu tố vệ sinh môi trường: bao gồm các điều kiện vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió), tiếng ồn, rung động, các bức xạ (bức xạ nhiệt, bức xạ ion hóa và bức xạ điện từ trường), bụi, hơi hóa chất độc, ánh sáng,..
Về nhóm yếu tố không gian sản xuất, hành chính: bố trí mặt bằng sản xuất; thời gian làm việc và thời gian nghỉ giải lao; sắp xếp, bố trí công việc; quần áo lao động đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh; trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân.
Khi làm thêm giờ, cơ thể NLĐ đã đến giới hạn mỏi, các nhóm yếu tố này sẽ càng tác động mạnh hơn.
Để giảm bớt các tác động đó lên NLĐ trong khoảng thời gian làm thêm giờ, doanh nghiệp cần hạn chế NLĐ làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại có nguy cơ gây rủi ro cao (chỉ bố trí NLĐ làm vào thời gian chính thức, khi họ còn khỏe mạnh và tỉnh táo); giảm cường độ và nhịp điệu lao động chậm hơn thời gian chính.
Cụ thể: giảm số lượng sản phẩm yêu cầu, giảm tốc độ băng tải ở các công đoạn làm việc trên dây chuyền; giảm tốc độ của các xe vận chuyển, xe nâng hạ, cầu trục… chạy trong không gian nhà xưởng để hạn chế tai nạn. Hạn chế tối đa hoạt động của các thiết bị, khu vực sản xuất phát sinh các yếu tố nguy hiểm có hại trong khoảng thời gian làm thêm giờ của NLĐ, như: tiếng ồn, hơi khí, bụi độc, bức xạ có hại.
Tăng cường thông gió, chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn cả về lượng và chất (tăng cường quạt mát, tăng mức độ thông thoáng trong nhà xưởng; đảm bảo độ rọi, độ chói lóa của hệ thống chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật).
Sắp xếp mặt bằng sản xuất gọn gàng, ngăn nắp, loại bỏ các trở ngại trên các đường di chuyển của NLĐ. Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hơn các thiết bị, máy móc, công cụ mà NLĐ sử dụng hằng ngày để hạn chế tối đa các hỏng hóc có thể gây tai nạn. Nếu thời gian làm thêm trong 1 ca nhiều hơn 3h thì sau 90 phút làm việc cần bố trí giải lao 10 phút (nhất là với NLĐ làm việc ở các dây chuyền sản xuất liên tục).
Bổ sung chế độ ăn nhẹ cho NLĐ sau khi kết thúc làm thêm để phục hồi sức khỏe. Có thể bố trí bữa ăn nhẹ với khoảng 500 kcal, tức là bằng khoảng ½ bữa ăn chính.
“Công đoàn cơ sở cần xác định yêu cầu của doanh nghiệp đối với NLĐ làm thêm giờ có hợp lý hay không; theo dõi số giờ làm việc của NLĐ để xác định không vượt quá số giờ quy định. Phân công tổ trưởng công đoàn hoặc an toàn vệ sinh viên theo dõi biểu hiện sức khỏe của NLĐ. Khi thấy NLĐ có triệu chứng mệt mỏi kéo dài (buồn ngủ, sai sót liên tục, thiếu tập trung, ngáp liên tục) cần đề nghị cho dừng thời gian làm thêm của NLĐ đó.
Công đoàn cơ sở cần giám sát doanh nghiệp về thực hiện các quy trình quản lý rủi ro có thể phát sinh từ việc NLĐ làm việc nhiều giờ hơn (ví dụ như luân chuyển ca, tăng thêm số lượng công nhân, thực hiện quy trình bàn giao ca bao gồm cả yếu tố sức khỏe của NLĐ…). Thường xuyên động viên tinh thần NLĐ, tạo môi trường làm việc hòa nhã, đoàn kết giữa tập thể NLĐ” – GS.TS Lê Vân Trình khuyến nghị.
Lao động và Công đoàn/Hà Vy