Sơ kết công tác vận động phát triển đoàn viên và thành lập Nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức giai đoạn 2018 – 2021

Sơ kết công tác vận động phát triển đoàn viên và thành lập Nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức giai đoạn 2018 – 2021

Thực hiện Kế hoạch số 57/KH-LĐLĐ ngày 05/11/2021 của Ban Thường vụ Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức sơ kết công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức giai đoạn 2018 – 2021, sáng ngày 09/12/2021, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động của Nghiệp đoàn cơ sở trong nửa nhiệm kỳ qua, đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém từ đó đề ra những biện pháp khắc phục trong nửa thời gian tới, nhằm xây dựng tổ chức Nghiệp đoàn cơ sở thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của tổ chức Công đoàn và đông đảo người lao động làm nghề tự do.

Cũng trong dịp này, Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức đã tuyên dương 06 tập thể và 06 cá nhân tiêu biểu trong công tác phát triển đoàn viên, xây dựng nghiệp đoàn cơ sở phát triển vững mạnh trong thời gian qua.

Về đánh giá kết quả hoạt động, Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức đã nêu tổng thể về kết quả tổ chức, vận động phát triển đoàn viên và thành lập Nghiệp đoàn trong thời gian qua với những nội dung chính như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Được hình thành trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 03 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức), với diện tích 211,6 km², thành phố Thủ Đức đang trong quá trình xây dựng thành khu trung tâm đô thị mới của thành phố, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với mục tiêu “Xây dựng thành phố Thủ Đức là một trung tâm thương mại – dịch vụ văn minh, hiện đại của Thành phố” và khu vực phía Nam.

Theo thống kê hiện nay thành phố Thủ Đức có hơn 7.990 đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, sử dụng khoảng 97.000 công nhân, người lao động chính thức.

Song song với các ngành nghề sử dụng lực lượng lao động chính thức vẫn còn nhiều ngành nghề, lĩnh vực sử dụng lao động phi chính thức tồn tại và không ngừng phát triển trong những năm qua trên địa bàn. Theo thống kê lực lượng lao động phi chính thức tương đương 80% tổng số lao động chính thức trên địa bàn. Do đó trong thời gian tới lực lượng này sẽ không ngừng tăng lên bởi các nguyên nhân đó là: Người lao động phổ thông xa quê đến thành phố tìm cơ hội mưu sinh, người nông dân bị mất đất canh tác phải đi làm thuê do ảnh hưởng bởi chính sách thu hồi đất để xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, nhiều công nhân thuộc lực lượng lao động chính thức bị mất việc do doanh nghiệp phá sản hoặc vì lý do không đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí việc làm tại nơi làm việc… Cùng với đó là sự ảnh hưởng của dịch covid – 19 vừa qua một số doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể, lao động bị mất việc làm. Để tiếp tục duy trì cuộc sống cho cá nhân và gia đình buộc lòng người lao động bị mất việc làm tại các khu vực chính thức gia nhập vào đội ngũ lao động phi chính thức trên con đường tìm kế mưu sinh.

Nhìn chung lực lượng lao động phi chính thức trên địa bàn phong phú về số lượng, đa dạng về lĩnh vực. Tuy nhiên phần lớn người lao động làm việc trong khu vực này thiếu cơ hội hơn nhiều so với lao động khu vực chính thức, bởi những nguyên nhân: lao động làm việc tại khu vực này phần đông không có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng cũng chỉ hợp đồng miệng hoặc hợp đồng khoán việc; người lao động bỏ nhiều thời gian để làm việc nhưng thu nhập không tương xứng với thời giờ làm việc, thu nhập bấp bênh, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chế độ chính sách cho người lao động không được đảm bảo…Việc tìm “chỗ dựa” cho người lao động khu vực phi chính thức không chỉ là tránh nhiệm của mỗi cá nhân người lao động, mà đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn về đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.

Trong những năm qua Liên đoàn Lao động thành phố luôn chú trọng quan tâm đến quyền lợi của người lao động nói chung và người lao động tại khu vực lao động phi chính thức nói riêng trong việc giúp họ có cơ hội tìm được việc làm mới có thu nhập tốt hơn, quan tâm tạo nhiều sân chơi, giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để giúp nhau phát triển, ổn định cuộc sống tăng thêm thu nhập…

Ý thức được trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc tập hợp người lao động làm nghề tự do vào các tổ chức Nghiệp đoàn từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về Bộ luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, học tập nâng cao trình độ, học tập lẫn nhau, giúp nhau phát triển. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018 – 2023, Kế hoạch số 22/KH-LĐLĐ ngày 11/03/2019 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2018 – 2023; thực hiện Nghị Quyết Đại hội của 03 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) nhiệm kỳ 2018 – 2023, trong những năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, nay là Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức đã luôn chú trọng xây dựng, triển khai các nội dung kế hoạch nhằm thực hiện tốt công tác thành lập Nghiệp đoàn và phát triển đoàn viên khu vực phi chính thức.

II. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Từ năm 2018 đến nay, căn cứ vào chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức đã ban hành nhiều Kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn cơ sở như: kế hoạch số 65/KH-LĐLĐ, ngày 19/8/2019 về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn nhóm trẻ trên địa bàn; kế hoạch số 67/KH-LĐLĐ, ngày 23/9/2019 về phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn và Nhóm trẻ gia đình; kế hoạch số 31/KH-LĐLĐ, ngày 13/5/2019 và kế hoạch số 14/KH-LĐLĐ, ngày 16/6/2019 về phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn cơ sở năm 2019,…

Hằng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao thành phố Thủ Đức đã ban hành nhiều văn bản triển khai đến Đảng ủy 34 phường trên địa bàn để đề nghị hỗ trợ công tác chỉ đạo cán bộ phường thực hiện việc phối hợp cùng cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố trong việc rà soát, khảo sát và vận động kết nạp đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn cơ sở trên địa bàn.

Bên cạnh công tác chỉ đạo, phối hợp rà soát các đối tượng là lao động phi chính thức trên địa bàn của Đảng ủy phường; công tác vận động người lao động phi chính thức tham gia Nghiệp đoàn luôn được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể quan tâm hỗ trợ, phối hợp thực hiện, nên trong 04 năm qua đã thành lập mới được 14 Nghiệp đoàn, kết nạp mới được 459 đoàn viên vào tổ chức công đoàn.

Song song với việc vận động người lao động phi chính thức tham gia tổ chức công đoàn, thành lập Nghiệp đoàn cơ sở, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức đã hướng dẫn Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn cơ sở xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm của mỗi thành viên trong Ban Chấp hành Nghiệp đoàn. Bên cạnh đó công tác chỉ đạo kiện toàn Ban Chấp hành, tổ chức Đại hội các Nghiệp đoàn cơ sở sau thời gian lâm thời luôn được Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện.

III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn cơ sở giai đoạn 2018 – 2021.

Năm 2018 đã vận động thành lập mới được 01 Nghiệp đoàn, kết nạp mới được 102 đoàn viên Nghiệp đoàn (1) .

Năm 2019 đã vận động thành lập mới được 06 Nghiệp đoàn, kết nạp mới được 186 đoàn viên Nghiệp đoàn (2).

Năm 2020 đã vận động thành lập mới được 05 Nghiệp đoàn, kết nạp mới được 144 đoàn viên Nghiệp đoàn (3).

Năm 2021 đã vận động thành lập mới được 02 Nghiệp đoàn, kết nạp mới được 27 đoàn viên Nghiệp đoàn (4).

Tính đến nay Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức đã thành lập được 17 Nghiệp đoàn với 710 đoàn viên Nghiệp đoàn.

2. Công tác chỉ đạo định hướng, hỗ trợ cho các Nghiệp đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt Ban Chấp hành và hoạt động sau khi được thành lập

Việc chỉ đạo, định hướng các hoạt động và sinh hoạt Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn được Liên đoàn Lao động thành phố quan tâm thực hiện. Ngay sau khi vừa ra mắt Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn, các bộ phận chuyên đề Liên đoàn Lao động thành phố đã trực tiếp hướng dẫn Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn trong việc xây dựng các Quy chế hoạt động. Bên cạnh đó công tác tập huấn Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn luôn được Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố quan tâm chỉ đạo các bộ phận Chuyên đề tổ chức thực hiện.

3. Việc kiện toàn Ban Chấp hành Nghiệp đoàn cơ sở; công tác sắp xếp củng cố Nghiệp đoàn theo đúng ngành nghề

Với tổ chức Công đoàn nói chung, Nghiệp đoàn nói riêng là nơi triển khai các hoạt động chủ yếu nhằm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, đây cũng là cấp thường xuyên có sự biến động về nhân sự làm công tác công đoàn, nhất là khu vực phi chính thức. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Nghiệp đoàn cơ sở.

Hằng năm bên cạnh công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn, công tác kiện toàn, củng cố Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Việc thành lập các Nghiệp đoàn theo đúng ngành nghề được Liên đoàn Lao động cấp trên quan tâm thực hiện ngay từ khi hướng dẫn hồ sơ thành lập Nghiệp đoàn, do vậy đến nay hầu hết các Nghiệp đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động thảnh phố và đoàn viên mỗi nghiệp đoàn đều có chung ngành nghề lao động.

4. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợp ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động khu vực phi chính thức

Những năm gần đây tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đại bộ phận công nhân lao động. Việc làm, thu nhập của nhiều lao động bị ảnh hưởng bởi chủ trương giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của đại bộ phận công nhân lao động nói chung, công nhân lao động khu vực phi chính thức nói riêng bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

Đời sống văn hóa tinh thần của người lao động chưa được quan tâm thích đáng, đặc biệt đối với lao động phi chính thức nhập cư làm nghề tự do hoặc làm cho các cơ sở nhỏ lẻ như phụ quán ăn, rửa xe, bán hàng chưa được quan tâm. Các chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động…, các chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.

Từ thực trạng nêu trên, công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động nói chung và lao động phi chính thức nói riêng luôn đượng Liên đoàn Lao động thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn.

Để thực hiện tốt chức năng trên, bên cạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động. Trong năm 2019, 2020, 2021 đã tổ chức trên 60 cuộc tuyên truyền về Bộ luật lao động 2019, tuyên truyền Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động, bảo đảm bình đẳng giới và những quy định riêng đối với lao động nữ…, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thủ Đức luôn chú trọng đến công tác chăm lo cho người lao động. Hằng năm vào dịp tết Nguyên đán và Tháng công nhân, Liên đoàn Lao động thành phố đã trao nhiều phần quà (có giá trị từ 300 – 500 ngàn đồng) cho đoàn viên các Nghiệp đoàn 5.

Trong đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4 vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã chăm lo hơn 12.000 phần quà và nhu yếu phẩm (gồm: gạo, mì, trứng, rau, cá hộp, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, bột nêm…) cho đoàn viên các Nghiệp đoàn và công nhân lao động làm nghề tự do tại các khu nhà trọ trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 với tổng kinh phí hơn 2,5 tỉ đồng.

Phối hợp với Phòng lao động thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Phòng y tế… hằng năm tổ chức kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn. Kip thời xử lý các trường hợp vi phạm đối với người lao động, đồng thời đề nghị người sử dụng lao động nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật trong quan hệ lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

5. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tay nghề; tập huấn kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên Nghiệp đoàn cơ sở

Những năm qua, công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao tay nghề cho đoàn viên các nghiệp đoàn luôn được Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức quan tâm thực hiện công tác Tài chính, công tác Chính sách Pháp luật, công tác Tổ chức, công tác Tuyên giáo, công tác Nữ công, công tác Kiểm tra, giám sát của Công đoàn. Tuy nhiên nhiều nội dung, chương trình được triển khai đào tạo nhưng chưa được đoàn viên các Nghiệp đoàn quan tâm hưởng ứng, bởi các nguyên nhân.

Hầu hết đoàn viên các Nghiệp đoàn là lao động chính trong gia đình. Việc lo cuộc sống mưu sinh của bản thân và gia đình là vấn đề quan trọng nhất để người lao động hướng tới. Ngoài ra người lao động không có nhiều thời gian để có thể tham gia các lớp đào tạo do công đoàn cấp trên tổ chức.

Bên cạnh đó sự không đồng đều về trình độ văn hóa, chuyên môn của các đoàn viên trong mỗi Nghiệp đoàn dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức đạo tào phù hợp cho từng loại đối tượng.

Địa điểm và khung giờ đào tạo, tập huấn chưa phù hợp đối với đại bộ phận đoàn viên Nghiệp đoàn dẫn đến đoàn viên các Nghiệp đoàn chưa thể sắp xếp được thời gian để tham gia các lớp đào tạo nâng cao tay nghề.

6. Công tác tài chính tại các Nghiệp đoàn cơ sở

Hoạt động của Nghiệp đoàn chưa có cấp Ủy, chính quyền cùng cấp để lãnh đạo, không có kinh phí 2%, do đó các Nghiệp đoàn khó khăn về kinh phí hoạt động để duy trì được hoạt động ngay từ khi mới thành lập mỗi Nghiệp đoàn được Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ từ 03 đến 05 triệu đồng để duy trì hoạt động. Về thủ tục để nhận được nguồn kinh phí trên cũng gặp nhiều khó khăn do yêu cầu bắt buộc Ban Chấp hành nghiệp đoàn mới thành lập phải mở tài khoản tại ngân hàng, đồng thời phải xây dựng Chương trình hoạt động, Quy chế hoạt động của Nghiệp đoàn, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành các nghiệp đoàn đính kèm hồ sơ để đề xuất đến bộ phận Tài chính công đoàn cấp trên mới nhận được số tiền hỗ trợ nêu trên.

Trong khi đó phần đông các Ủy viên Ban Chấp hành Nghiệp đoàn chưa có kinh nghiệm trong việc liên hệ ngân hàng để mở tài khoản, lại thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng và bảo quản thẻ ngân hàng, dẫn đến nhiều tình huống xảy ra như quên mật khẩu, bị nuốt thẻ…gây khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí qua tài khoản ngân hàng.

7. Các giải pháp, mô hình, cách làm mới có hiệu quả

Trừ trong phong trào của các nghiệp đoàn đã xuất hiện nhiều cách làm, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng thời góp phần gìn giữ và bảo vệ an ninh xã hội, đáng chú ý là mô hình giải quyết kẹt xe của các Nghiệp đoàn xe ôm truyền thống:

Khi phát hiện tình trạng kẹt xe, đoàn viên nhanh chóng thông tin về cho đội cảnh sát giao thông trật tự phản ứng nhanh công an thành phố, mặt khác thông báo cho đoàn viên ở các tổ gần nhất hỗ trợ, tham gia điều tiết giao thông trong thời gian chờ lực lượng công an giao thông đến. Từ mô hình này, trong 04 năm qua đã góp phần giải quyết hàng trăm vụ kẹt xe trên địa bàn.

Ngoài ra đoàn viên Nghiệp đoàn còn tham gia hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự phản ứng nhanh Công an thành phố thực hiện chương trình “Chống đua xe” tại cầu Thủ Thiêm; kịp thời ngăn chặn, giải tán các vụ tụ tập, đua xe trái phép trên Đại lộ Mai Chí Thọ.

Hoặc khi phát hiện tai nạn giao thông, đoàn viên của Nghiệp đoàn Xe ôm nhanh chóng báo cáo cho công an giao thông thành phố, mặt khác tiến hành bảo vệ hiện trường, phân luồng cho xe đi qua, tránh tình trạng ùn tắc giao thông và kẹt xe do tai nạn gây ra (Tổ Xa lộ Hà Nội, Tổ Cầu Đen).

Trong những năm qua, đoàn viên Nghiệp đoàn đã kịp thời phát hiện, bắt giữ hàng chục đối tượng trộm, cướp nguy hiểm trên địa bàn thành phố cùng nhiều đối tượng từ nơi khác đến địa bàn thành phố Thủ Đức gây án, giao công an phường An Khánh, phường An Phú, phường Thảo Điền, phường Bình Trưng Tây…, phường Phước Long A, phường Linh Trung…xử lý.

8. Kết quả thực hiện công tác vận động thành lập nghiệp đoàn cơ sở hằng năm so với chỉ tiêu được giao

Công tác vận động thành lập Nghiệp đoàn cơ sở hằng năm đạt yêu cầu so với cấp trên giao. Tuy nhiên công tác phát triển đoàn viên tại các nghiệp đoàn chưa đảm bảo số lượng so với yêu cầu cấp trên giao chỉ tiêu hằng năm, tỉ lệ phát triển đoàn viên chỉ đáp ứng khoảng 35% so với chỉ tiêu công đoàn cấp trên giao, bởi các nguyên nhân: Phần đông người lao động làm nghề tự do không muốn sinh hoạt trong một tổ chức, do lo sợ phải đóng tiền đoàn phí hằng tháng, sợ phải tham gia các hoạt động do công đoàn cấp trên tổ chức sẽ mất nhiều thời gian, giảm nguồn thu nhập hằng ngày… Chính những điều trên đã ảnh hưởng đến công tác vận động phát triển thêm đoàn viên mới thành lập Nghiệp đoàn cơ sở.

IV. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân 34 phường, vai trò của cán bộ Kinh tế 34 phường trong việc phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố về khảo sát thành lập các Nghiệp đoàn được gặp nhiều thuận lợi.

Với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố cùng các Ban chuyên đề; sự năng nổ, nhiệt tình của các đồng chí trong Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn.

Phần lớn số lao động khu vực phi chính thức làm việc tại các cơ sở sử dụng ít lao động (chỉ từ 1 đến 2 người làm việc tại 1 cơ sở), do đó việc giành thời gian để tham gia sinh hoạt cùng tổ chức Nghiệp đoàn của người lao động là vô cùng khó khăn vì chủ cơ sở không tạo điều kiện về mặt thời gian để người lao động tham gia sinh hoạt công đoàn.

Người lao động khu vực phi chính thức phần lớn là lao động chính trong gia đình, công việc hằng ngày của họ chiếm hết phần lớn thời gian nhưng nguồn thu nhập của họ vẫn không đảm bảo duy trì mức sống bình thường cho gia đình, do vậy việc việc sắp xếp thời gian làm việc để tham gia các hoạt động do Công đoàn cấp trên tổ chức là điều khó khăn đối với họ.

Bên cạnh đó đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia Nghiệp đoàn chưa thể hiện hết vai trò của cán bộ làm công tác tuyên truyền nên đôi khi chưa tạo được niềm tin từ phía người lao động để từ đó người lao động tin tưởng tự nguyện viết đơn tham gia tổ chức Công đoàn.

————————————–

1 Năm 2018: Thành lập Nghiệp đoàn Xe ôm phường Linh Trung với 102 đoàn viên.
2 Năm 2019: Thành lập Nghiệp đoàn xe ôm phường Phước  Long A gồm 22 đoàn viên; các lớp mẫu giáo phường Hiệp Phú 24 đoàn viên; Nghiệp đoàn giữ trẻ phường Cát Lái 45 đoàn viên; Nghiệp đoàn giữ trẻ phường Bình Trưng Tây 45 đoàn viên; Nghiệp đoàn hớt tóc – làm nail phường Thảo Điền 42 đoàn viên; Nghiệp đoàn sửa xe gắn máy phường Bình An 8 đoàn viên.
3 Năm 2020: Thành lập Nghiệp đoàn giúp việc Tân An 31 đoàn viên; Nghiệp đoàn kinh doanh thức ăn đường phố phường Linh Trung 20 đoàn viên; Nghiệp đoàn giúp việc gia đình phường Cát Lái 36 đoàn viên; Nghiệp đoàn giữ trẻ phường Thạnh Mỹ Lợi 42 đoàn viên; Nghiệp đoàn các lớp mầm non phường Phước Long B 15 đoàn viên.
4 Năm 2021: Thành lập Nghiệp đoàn xe ôm công nghệ 17 đoàn viên; Nghiệp đoàn giúp việ phường Bình Trưng Tây 10 đoàn viên.
5 Từ năm 2018 – 2021 đã trao hơn 2.500 phần quà có giá trị từ 300.000- 500.000 đồng cho đối tượng là đoàn viên các nghiệp đoàn và người lao động làm nghề tự do tại các khu nhà trọ trên địa bàn.

 

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*