Một số vấn đề then chốt để xây chắc nền móng tổ chức Công đoàn

Kỳ 1: Củng cố, phát huy vai trò trung tâm của đoàn viên ra sức xây dựng Công đoàn cơ sở thật sự vững mạnh là kế sách sâu bền

Công đoàn Việt Nam đã bước sang thập kỷ thứ chín với hành trang là chiến lược đổi mới tổ chức và hoạt động để mở đường cho giai đoạn phát triển mới, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh những vấn đề then chốt đã được xác định, cũng cần làm sáng rõ lực lượng và địa bàn quyết định thắng lợi của Công đoàn Việt Nam.

Đó có lẽ là vai trò trung tâm của đoàn viên và địa bàn chiến lược ở Công đoàn cơ sở như khẳng định của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cách đây hơn ba thập kỷ: “Tôi đề nghị tới đây, các cấp Công đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động của mình theo hướng : “Lấy cơ sơ làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên làm đối tượng vận động , thuyết phục và giáo dục”. Chỉ bằng con đường này thì các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quyết định của Công đoàn mới tới được quần chúng và biến thành sức mạnh vật chất to lớn để giải quyết thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Chỉ bằng phương thức này, thì Công đoàn mới đứng vững được giữa lòng quần chúng, uy tín Công đoàn mới được đề cao, xứng đáng với niềm tin yêu của họ”

1. Sự phát triển tư duy về vai trò và nhiệm vụ của công tác đoàn viên

Vai trò then chốt của đoàn viên đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn được xác lập trong tác phẩm Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (năm 1925 ). Đồng thời, tư duy về nhiệm vụ công tác đoàn viên không ngừng được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội Công đoàn.

Đại hội II Công đoàn Việt Nam (năm 1961) xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng đoàn viên. Đến Đại hội IV Công đoàn Việt Nam (năm 1978), lần đầu tiên làm rõ nội hàm của công tác đoàn viên là phát triển về số lượng, củng cố sinh hoạt, nâng cao chất lượng đoàn viên, quản lý chặt chẽ đoàn viên. Đại hội X Công đoàn Việt Nam (năm 2008) đề ra nhiệm vụ “nghiên cứu làm rõ lợi ích của người tham gia Công đoàn”, để đến Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (năm 2018) đã hoàn thiện thành bốn trụ cột chính của công tác đoàn viên là phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích đoàn viên. Làm rõ và thể hiện được đầy đủ các chức năng và phương thức hoạt động của Công đoàn ở cơ sở sẽ làm sáng rõ vai trò, vị trí tổ chức Công đoàn trong đời sống xã hội .

Tổ chức Công đoàn ra đời, tồn tại, phát triển là từ nhu cầu của NLĐ nên đoàn viên phải có vai trò then chốt đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn, là nhân tố bên trong, là lực lượng quyết định của tổ chức. Mặt khác, tổ chức Công đoàn nếu không đảm bảo yếu tố xã hội và lý tưởng thì khó mà phát triển sâu rộng, bền chắc.

Do đó, cần thực hiện song hành nhiệm vụ phát triển đoàn viên và nâng cao chất lượng đoàn viên. Công đoàn vừa nỗ lực tập hợp hầu hết NLĐ vào tổ chức Công đoàn trên cơ sở tự giác, vừa giáo dục ý thức GCCN cho đoàn viên, làm cho đoàn viên thiết tha với tổ chức, tự hào về tổ chức, tích cực làm tròn trách nhiệm và quyền hạn của mình đối với việc xây dựng tổ chức có tưởng tiên tiến là hành động mang lại quyền lợi cho nhiều người, trong đó có lợi quyền của mỗi người và phù hợp lý tưởng, khát vọng chung của cả dân tộc chứ không chỉ giới hạn của một tổ chức phường hội.

Chất lượng của lực lượng đoàn viên được biểu hiện qua hoạt động cụ thể, là kết quả của sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ, cùng nhau nâng cao tri thức và phát huy trí tuệ tập thể trong hành động Công đoàn nên cần có biện pháp quản lý đoàn viên. Đây không phải là kiểu quản lý hành chính mà thông qua quản lý để thực hiện tốt hơn trách nhiệm với đoàn viên.

Bên cạnh việc đầu tư ứng dụng công nghệ để quản lý đoàn viên mang tính hệ thống thì quản lý đoàn viên ở cơ sở, từ hoạt động bằng những hình thức linh hoạt với nội dung phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, trong đó, cơ chế đối thoại của CBCĐ với đoàn viên là quan trọng để cùng nhau thống nhất nhận thức hoạt động Công đoàn. Do yếu tố hoạt động là nền tảng nên Công đoàn phải mở rộng đội ngũ quần chúng tích cực qua hoạt động để tăng thêm lực lượng cho Ban Cháp hành công đoàn cơ sở và thông qua các nhân tố này thu hút đông đảo NLĐ ủng hộ, thực hiện các hoạt động của Công đoàn; củng cố tổ chức Công đoàn, tăng cường việc bồi dưỡng tổ trưởng, định rõ nội dung sinh hoạt để phát huy đầy đủ tác dụng của tổ Công đoàn là nơi sinh hoạt quan trọng của tổ chức Công đoàn.

Người lao động tham gia tổ chức Công đoàn là mong muốn có kết quả tốt hơn hiện tại, đồng thời, kết quả này có được chủ yếu là từ hoạt động Công đoàn. Do vậy, CBCĐ phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, quyền lợi đoàn viên theo Điều lệ; cần hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của NLĐ, hoạt động vì NLĐ, kiên quyết chống lối làm việc quan liêu hành chính, trên dội xuống, không sát với yêu cầu cơ sở và cuộc sống của NLĐ.

2. Vai trò quyết định của Công đoàn cơ sở là do đặc trưng của hoạt động Công đoàn

Nhiệm vụ củng cố Công đoàn cơ sở được đề ra ngay từ Đại hội I Công đoàn Việt Nam (năm 1950). Tầm quan trọng của Công đoàn cơ sở vững mạnh được Đại hội II Công đoàn Việt Nam (năm 1961) nhận diện, tiếp tục đánh giá qua Đại hội IV (năm 1978) và bổ sung thêm yêu cầu “Công đoàn cấp trên phục vụ Công đoàn cấp dưới” tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (năm 2018).

Công đoàn cơ sở là cột sống, là nền tảng, là địa bàn hoạt động của tổ chức Công đoàn; là nơi kết hợp và phát huy tác dụng chỉ đạo của Công đoàn địa phương và ngành; là thước đo kết quả của toàn bộ hệ thống tổ chức Công đoàn. Theo luật pháp Việt Nam và thực tế thì Công đoàn cơ sở là nơi gần với đoàn viên, NLĐ nhất; có thể mang lại nhiều quyền lợi sát sườn nhất trong điều kiện của cơ quan, đơn vị; thể hiện cụ thể vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Vì vậy, làm rõ và thể hiện được đầy đủ các chức năng và phương thức hoạt động của Công đoàn ở cơ sở sẽ làm sáng rõ vai trò , vị trí tổ chức Công đoàn trong đời sống xã hội.
————————
Đ/c Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*