Xây dựng, phát hành các thực đơn mẫu về bữa ăn ca cho Người lao động
Tổng LĐLĐ Việt Nam giao Ban Quan hệ lao động phối hợp với Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động nghiên cứu, xây dựng, phát hành các thực đơn mẫu về bữa ăn ca, ăn trưa để doanh nghiệp tham khảo, thực hiện nhằm đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn ca của người lao động (NLĐ).
Nghiên cứu, xây dựng, phát hành các thực đơn mẫu về bữa ăn ca, ăn trưa để doanh nghiệp tham khảo, thực hiện nhằm đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn ca của NLĐ là một trong những nhiệm vụ Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho Ban Quan hệ lao động, Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động tại Công văn số 246/KH-TLĐ ngày 9/9/2022.
Cụ thể, tại Công văn số 246/KH-TLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”.
Theo đó, bữa ăn ca trị giá thấp nhất 20.000 đồng đến 25.000 đồng/suất (đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuộc vùng I, II); từ 18.000 đồng đến 22.000 đồng/suất (đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuộc vùng III, IV).
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tiếp tục quán triệt triển khai Nghị quyết 7c/NQ-BCH và Kết luận 03/KL-BCH trong các cấp công đoàn; xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn thực phẩm là cơ sở để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho NLĐ, là động lực quan trọng giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống của NLĐ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn và các đối tác liên quan về tầm quan trọng, vai trò, lợi ích mang lại cho các bên khi thực hiện nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ; xây dựng và chia sẻ mô hình doanh nghiệp thực hiện tốt bữa ăn ca cho NLĐ; biểu dương các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tiêu biểu trong công tác này.
Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bữa ăn ca với giá trị thấp nhất từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/suất trở lên (đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn vùng I, vùng II) và từ 18.000 đồng đến 22.000 đồng/suất trở lên (đối với địa bàn vùng III, vùng IV).
Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng thực hiện mức tối đa theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1/9/2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền ương và tiền thưởng đối với NLĐ làm việc trong Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm và tổ chức bữa ăn ca theo quy định. Tham gia nghiên cứu, đề xuất, ban hành định mức calo đảm bảo dinh dưỡng đối với bữa ăn ca nói chung và một số ngành nghề đông công nhân lao động (như Dệt May, Da giày, Thủy sản…) để làm căn cứ đối thoại, thương lượng và hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ.
Tăng cường ứng dụng thông tin, số hóa trong công tác theo dõi, giám sát, phân tích, khai thác thông tin và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ về bữa ăn ca. Xây dựng nội dung truyền thông, chia sẻ các mô hình “Bếp ăn ca”, “Bếp ăn tập thể” điển hình.
Tổng LĐLĐ Việt Nam giao Ban Quan hệ lao động phối hợp với Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động nghiên cứu, xây dựng, phát hành các thực đơn mẫu về bữa ăn ca, ăn trưa để doanh nghiệp tham khảo thực hiện nhằm đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn ca của NLĐ.
Trong đó, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 7c/NQ-BCH và Kết luận 03/KL-BCH phù hợp với tình hình địa phương, ngành.
Đồng thời tham mưu, đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đơn vị chức năng tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của NLĐ; coi trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát là một giải pháp chăm lo đời sống, xây dựng giai cấp công nhân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ-TW ngày 12/6 của Bộ Chính trị.
Hiện tại, bộ thực đơn mẫu về bữa ăn ca đã được xây dựng, dựa trên kết quả nghiên cứu của Đề tài “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho NLĐ một số ngành nghề” do TS. Đỗ Trần Hải – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động làm Chủ nhiệm.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá gánh nặng lao động (GNLĐ), nhu cầu dinh dưỡng, các vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng và xây dựng Bộ tiêu chí về dinh dưỡng cho NLĐ làm việc tại 48 cơ sở Dệt May và Giày Da. Các phương pháp sử dụng để đánh giá GNLĐ và sức khỏe dinh dưỡng bao gồm: Bấm thời gian lao động và phân tích đặc điểm lao động; đánh giá khẩu phần ăn bữa ăn trưa bằng phương pháp định tính (phỏng vấn) và định lượng; thăm khám và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động đã đề ghị Ban Chủ nhiệm Đề tài phối hợp thực hiện tài liệu hướng dẫn xây dựng thực đơn mẫu về bữa ăn ca cho NLĐ với 30 thực đơn. Về nguyên tắc, để đưa ra được thực đơn thì cần tính toán mức tiêu hao năng lượng ở con người. Tùy theo mức độ, điều kiện lao động nặng nhọc hay bình thường mà tính toán được mức tiêu hao năng lượng là bao nhiêu, phải bù đắp bao nhiêu để tái sản xuất sức lao động.
Ví dụ, mức tiêu hao là 100 calo với người làm công việc nhẹ, là 350 calo với người làm công việc nặng. Từ đó, tính ra sau một ca làm việc, để bù đắp được số calo tiêu hao thì phải bổ sung một lượng thực phẩm là bao nhiêu. Tuy nhiên, đó mới là nội dung về năng lượng.
Đề tài còn nghiên cứu yếu tố vi lượng liên quan đến phân bổ các chất đạm, đường, béo và các vitamin. Với cơ sở khoa học như vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu để đưa ra thực đơn mẫu, là cơ sở để các doanh nghiệp tham khảo.
Hà Vy/Lao động và Công đoàn