Hưởng một lần, lo cả đời: Chính sách phải hấp dẫn người lao động

Hưởng một lần, lo cả đời: Chính sách phải hấp dẫn người lao động

Cần điều chỉnh quy định trợ cấp BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho người lao động có sự lựa chọn, đồng thời khuyến khích họ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) trong dài hạn, các quốc gia trên thế giới không cho phép người tham gia BHXH được rút BHXH một lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 đã cho phép NLĐ (chưa hết tuổi lao động) sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH được nhận BHXH một lần khi có yêu cầu.

Giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), quy định tại Luật BHXH 2014 về điều kiện tối thiểu 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng là quá dài, chưa khuyến khích NLĐ tham gia khi tuổi đời đã cao, không phù hợp với quan điểm tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động tham gia BHXH. Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều NLĐ chỉ quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, từ đó không tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng hưu trí khi về già.

Người lao động nào cũng mong muốn bảo đảm tương lai bằng chế độ hưu trí, do đó chính sách BHXH phải thu hút người lao động ở lại hệ thống an sinh .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong tờ trình Chính phủ mới đây, Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ 20 năm còn 15 năm, hướng tới 10 năm là giải pháp để khắc phục những vấn đề dẫn đến việc rút BHXH một lần. “Thời gian đóng BHXH ngắn để có thể nhận lương hưu khiến NLĐ hứng thú tham gia và phù hợp với thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm số năm đóng BHXH còn 15 năm, hướng tới 10 năm sẽ dẫn đến việc mức hưởng cũng sẽ phải giảm theo. Bởi bản chất của BHXH là lấy số tiền tích lũy được để hưởng hằng tháng khi về già, không còn khả năng lao động” – một chuyên gia nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết thực tế là tuổi nghỉ việc và tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động trực tiếp sản xuất ở Việt Nam đang cách xa nhau, khoảng 20-25 năm. Nhiều công nhân (CN) dệt may ngoài 40 tuổi sẽ tự nghỉ việc. Phần nhiều lao động những ngành này là nữ, họ trở về quê chăm sóc gia đình, con cái hoặc nghỉ vì sức khỏe kém. Một nữ CN đi làm năm 18 tuổi và nghỉ việc lúc 40 tuổi, đã có 22 năm tham gia BHXH bắt buộc. Họ phải chờ ít nhất 15 năm nữa mới có thể nhận lương hưu. Không thể chờ đợi một thời gian quá dài để nhận lương hưu nên nhiều lao động nữ quyết định “gặt lúa non”. Thêm vào đó, tâm lý e ngại, không tin tưởng chính sách hưu trí của CN hiện nay dẫn đến quyết định không chờ nhận lương hưu. Tiền đóng BHXH 20 năm trước có giá trị nhưng khi về già hưởng lương hưu lại mất giá, trong khi hệ số bù đắp không đáng kể, cũng khiến NLĐ phải tính toán. “Lương hưu thấp hơn cả lương tối thiểu vùng, làm sao họ sống nổi? Vì thế, để chính sách lương hưu thu hút được CN, cơ quan BHXH nên tính toán lương hưu bằng bình quân số năm liền kề gần nhất để có lợi cho CN” – bà Thủy đề xuất.

Tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động

Luật sư Lê Trọng Thêm (Công ty Luật TNHH LTT & Các cộng sự) nhìn nhận bản chất của việc hưởng BHXH một lần là NLĐ mong muốn nhận trước một khoản tiền cho thời gian đã tham gia BHXH. Mỗi NLĐ có một lý do riêng, đặc biệt thời điểm dịch Covid-19 trong 2 năm qua thì về cơ bản, tình hình chung là NLĐ bị khó khăn về tài chính. Dù là lý do gì, chúng ta vẫn phải tôn trọng quyết định của họ.

Theo luật sư Thêm, nếu một số loại hình bảo hiểm do tư nhân cung cấp, các điều kiện về bảo hiểm thường là do thỏa thuận giữa hai bên thì BHXH thực hiện theo chính sách pháp luật chung do nhà nước ban hành. Do vậy, nếu việc thay đổi chính sách pháp luật diễn ra thường xuyên theo hướng bất lợi thì sẽ gây ra tâm lý hoài nghi, lo lắng cho NLĐ. Để hạn chế số người hưởng BHXH một lần và tăng số người đóng BHXH lâu dài nhằm hưởng lương hưu, luật sư Thêm cho rằng nếu xem quan hệ giữa NLĐ và cơ quan BHXH là quan hệ dân sự thông thường, khi có xung đột giữa hai bên trong việc có hay không cho hưởng BHXH một lần thì không nên đóng khung trong tư duy “có hay không”. Các bên cần thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình thế của nhau để kiến tạo ra giải pháp.

“Nên cho phép NLĐ được quyền hưởng BHXH một lần để giải quyết khó khăn tức thời cho họ. Tuy nhiên, cần thay đổi tỉ lệ hưởng theo hướng giữ lại một phần khi NLĐ rút BHXH một lần để tạo điều kiện cho họ tiếp tục tham gia BHXH và hưởng chế độ hưu trí. Ngoài ra, cũng nên suy xét thêm về việc cho phép NLĐ sử dụng phần BHXH tích lũy như là một loại tài sản sử dụng để thế chấp vay một phần tiền nào đó từ ngân hàng và cơ quan BHXH sẽ bảo lãnh cho NLĐ trong trường hợp này để giải quyết khó khăn đột xuất” – luật sư Thêm góp ý.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua, trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết có nhiều lý do dẫn đến tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, trong đó có nguyên nhân đời sống khó khăn, dịch bệnh. Để giảm tình trạng NLĐ hưởng BHXH một lần, việc đầu tiên là phải chăm lo đời sống NLĐ. Bởi hầu hết rút BHXH một lần là công nhân, những người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải hoàn cảnh éo le. Chỉ khi đời sống tốt, cuộc sống được bảo đảm thì NLĐ sẽ không còn nghĩ đến việc rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cho NLĐ hiểu và thấy được sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của chính sách BHXH.

———————————

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*