Một số điểm lưu ý khi ký kết thỏa ước lao động tập thể
1. Quy trình lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể
Bước 1: Tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động đàm phán để tạo dự thảo thỏa ước lao động tập thể.
Bước 2: Lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp về dự thảo thỏa ước lao động tập thể.
Các vấn đề liên quan đến thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể sẽ do tổ chức đại diện người lao động quyết định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng.
Trong quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước, người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp.
Bước 3: Ký kết thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng. Lưu ý rằng, thỏa ước chỉ được ký khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
Bước 4: Gửi thỏa ước lao động tập thể
Người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp nếu doanh nghiệp nằm trong khu công nghiêp) nơi đặt trụ sở chính trong vòng 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết.
Bước 5: Công bố thoả ước lao động tập thể cho người lao động biết sau khi được thỏa ước được ký kết.
2. Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể
Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp.
3. Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể
Khi các bên có những thỏa thuận đi đến việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, các bên phải tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lại từ đầu với quy trình tương tự tại mục 1
Ngoài ra, khi các quy định pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, quyền lợi của người lao động sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật
Tập huấn công đoàn cơ sở về nâng cao chất lượng Thỏa ước Lao động tập thể
4. Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn.
Thỏa ước lao động tập thể phải được lấy ý kiến như tại Bước 2 ở mục 1 trong trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể. Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể thỏa ước lao động tập thể có phải ký lại và gửi cho cơ quan chuyên môn về lao động hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm tác giá, bởi vì thời hạn của thỏa ước lao động tập thể cũng là một trong những nội dung được thỏa thuận tại thỏa ước, nếu thay đổi nội dung này thì các bên cũng cần phải lấy ý kiến, ký kết và gửi lại cho cơ quan chuyên môn tương tự như việc sửa đổi thỏa ước lao động tập thể tại mục 3.
Nếu các bên vẫn tiếp tục thương lượng khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn, thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nguồn: sưu tầm