Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa

Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa

(Ngày 10 tháng 12 năm 1961) !

———————

“Đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải là những người xung phong gương mẫu trong mọi mặt sản xuất, công tác, học tập, đoàn kết”.

Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện với cán bộ và xã viên hợp tác xã Vĩnh Thành (Nghệ An)”, Người nói ngày 10 tháng 12 năm 1961.

Đây là thời kỳ miền Bắc nước ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (1961-1965) nhằm tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó, Bác đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, công tác. Lời dạy của Bác có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp cho mỗi đảng viên, đoàn viên dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm. Thực hiện lời dạy của Bác, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiều đảng viên, đoàn viên đã phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong lao động sản xuất, chiến đấu và công tác; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám xông pha vào việc khó, dám đi đầu đến nơi gian khổ, dám lao vào những nơi hiểm nguy và không bị sa ngã trước mọi cám dỗ vật chất tầm thường… Qua đó, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giành được những thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, trước bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi, thời cơ và không ít thách thức, nguy cơ. Lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi đảng viên, đoàn viên thanh niên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt lời dạy của Bác đòi hỏi mỗi đảng viên, đoàn viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khắc phục kịp thời mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị, với toàn thể xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

___________

Từ ngày 10-12-1942, Hồ Chí Minh bắt đầu những ngày bị giam cầm tại Liễu Châu (Trung Quốc). Trong thời gian này, nhiều bài thơ được sáng tác, trong đó có bài “Tứ cá nguyệt liễu” (Bốn tháng rồi) nhìn lại một chặng đường đầy gian khó, được Nam Trân dịch:

“Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”

Lời nói người xưa đâu có sai;

Sống khác loài người vừa bốn tháng,

Tiều tụy còn hơn mười năm trời.

Bởi vì:

Bốn tháng cơm không no,

Bốn tháng đêm thiếu ngủ,

Bốn tháng áo không thay,

Bốn tháng không giặt giũ.

Cho nên:

Răng rụng mất một chiếc,

Tóc bạc thêm mấy phần,

Gầy đen như quỷ đói,

Ghẻ lở mọc đầy thân.

May mà:

Kiên trì và nhẫn nại,

Không chịu lùi một phân,

Vật chất tuy đau khổ,

Không nao núng tinh thần”.

Ngày 10-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về Tổng tuyển cử, đưa ra đề nghị tập trung bàn về các nội dung: Làm thế nào để các ủy ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng? Làm thế nào để các cử tri biết cách bỏ phiếu? Làm thế nào để cử tri đi bỏ phiếu thật đông?.

Ngày 10-12-1951, đáp lại thư của các chiến sĩ báo công thắng trận, Bác viết “Thư trả lời chiến sỹ” động viên: “Luôn luôn giữ vững tinh thần khắc khổ, tinh thần quyết chiến quyết thắng. Luôn luôn giúp đỡ nhân dân, đi sát với nhân dân. Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch. Với lính Pháp và ngụy binh ta bắt được, đối đãi họ tử tế và thuyết phục họ. Mong các cháu cố gắng để thắng nhiều trận nữa”.

Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa 1951” nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sỹ khác, chiến sỹ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh… Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình. Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi. Chúc anh chị em mạnh khỏe, tiến bộ, thành công”.

Ngày 10-12-1954, dự họp Bộ Chính trị ngay sau ngày Thủ đô giải phóng, bàn về khôi phục kinh tế, Bác phát biểu: “… Mấy năm kháng chiến, ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị… Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít… Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng”.

Ngày 10-12-1963, dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình mới sau khi ở miền Nam, Ngô Đình Diệm bị Mỹ lật đổ, Bác nhấn mạnh: “Nói thuận lợi, nhưng đồng thời phải nói rõ khó khăn. Nên thêm về công tác dân vận… Nên nêu khẩu hiệu: “Người Việt không đánh người Việt”. Làm sao động viên tiêu diệt cho được nhiều Mỹ: Mỹ rất sợ chết. Ta vừa tiêu diệt vừa tuyên truyền… Đồng bào miền Nam rất anh hùng, cán bộ, đảng viên rất anh dũng. Phải đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng, dù Mỹ có tăng gấp 10 lần ta cũng thắng”.

————

Thủ Đức – Xưa và nay//ST

 

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*