Thỏa ước lao động tập thể nhóm: Chăm lo căn cơ cho công nhân
Việc hình thành thỏa ước nhóm ở các doanh nghiệp cùng ngành nghề đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người sử dụng lao động và người lao động
LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM vừa tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể (thỏa ước) nhóm doanh nghiệp (DN) ngành dệt may với các đơn vị trên địa bàn quận. Chương trình nằm trong dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may” được ký kết giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Hà Lan.
Tạo động lực làm việc cho công nhân
Trước đó, qua rà soát, có 12 DN ngành dệt may đủ điều kiện tham gia thỏa ước nhóm. Tuy nhiên, sau quá trình vận động, chỉ có 4/12 đơn vị phản hồi. “Sau dịch, các DN chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất – kinh doanh nên chưa thật sự quan tâm đến các chế độ phúc lợi của người lao động (NLĐ). Bên cạnh đó, một số DN sợ không đáp ứng được mức thương lượng chung của DN và NLĐ ở đơn vị khác” – bà Nguyễn Thị Nguyệt Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM, phân tích.
Với sự hỗ trợ của lực lượng nòng cốt tại các DN (gồm cán bộ Công đoàn cơ sở, CN trực tiếp sản xuất và cán bộ nhân sự), LĐLĐ quận đã gặp nhiều thuận lợi trong việc thu thập thông tin, nhất là điểm chung trong chính sách chăm lo để xây dựng dự thảo thỏa ước nhóm. Từ đó, chương trình đã vận động được 4 DN với tổng số 335 lao động tham gia ký kết gồm: Công ty TNHH SXTM Trương Vui, Công ty TNHH Dệt may Nguyên Dung, Công ty TNHH May Tứ Đạt và Công ty CP Dệt may Kim Vàng.
Thỏa ước có thời hạn 3 năm (từ 2023-2025) với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ: Mức lương cao hơn từ 6,2% so với lương tối thiểu vùng; được hưởng lương chờ việc cao hơn 10% so với lương tối thiểu vùng khi ngừng việc; thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương; được hỗ trợ bữa ăn giữa ca thấp nhất 25.000 đồng/người/bữa. Ngoài ra, NLĐ còn được đài thọ 100% học phí khi tham gia các khóa học nghề, nâng cao trình độ, được tham quan, du lịch, khám sức khỏe định kỳ…
Là một trong những đơn vị tham gia ký kết, ông Trương Tôn Nghi, Phó Giám đốc Công ty TNHH SXTM Trương Vui, khẳng định: “Thông qua hình thành thỏa ước nhóm, các DN sẽ liên kết chặt chẽ với nhau trong việc chăm lo, giúp NLĐ có thêm động lực làm việc và hạn chế tối đa tình trạng nhảy việc. Đây là cơ hội để NLĐ nâng cao phúc lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng tại nhiều DN để ngày càng có nhiều hơn NLĐ được hưởng lợi”.
Ổn định quan hệ lao động
Mới đây, LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM cũng đã tổ chức ký kết thỏa ước nhóm ngành dệt may (giai đoạn 2022 – 2025) với sự tham gia của 5 DN gồm: Công ty CP Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Xuất nhập khẩu Indira Gandhi, Công ty TNHH Sản xuất may mặc Kiều Hưng, Công ty TNHH Sản xuất – Dịch vụ Thương mại Vạn Thành, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Dịch vụ Long Cường và Công ty CP Chỉ may Hưng Long. Tổng số lao động tại các DN gần 400 người. Đây là lần thứ 2 các DN tham gia ký kết thỏa ước nhóm.
Tương tự thỏa ước nhóm của 4 DN ở quận Bình Tân, TP HCM, 5 DN tham gia ký kết thỏa ước tại quận Thủ Đức cũng định hình khung chăm lo cho NLĐ hết sức căn cơ: lương cao hơn 6% trở lên so với lương tối thiểu vùng; thưởng sáng kiến, cải tiến với mức ít nhất 5% giá trị làm lợi thu về; hỗ trợ bữa ăn giữa ca thấp nhất 20.000 đồng/người/bữa; hỗ trợ tiền thuê nhà thấp nhất 500.000 đồng/người/tháng; khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ thấp nhất 1 triệu đồng/suất. NLĐ làm việc từ 5 năm trở lên được nghỉ thêm 1 ngày trong đợt nghỉ Tết nguyên đán, không tính vào ngày nghỉ phép hằng năm…
Khi DN công bố nội dung thỏa ước nhóm, chị Cao Thị Chinh, CN Công ty SX TM DV Long Cường, rất phấn khởi: “Thỏa ước nhóm giúp cải thiện đáng kể phúc lợi cho NLĐ tại các DN, vì thế tôi mong muốn các DN tham gia tiếp tục thương lượng để chăm lo tốt hơn cho NLĐ”.
Không chỉ NLĐ hưởng lợi, thỏa ước nhóm cũng tác động tích cực đến tình hình sản xuất – kinh doanh tại các DN. Bà Phan Thị Thiện, Chủ tịch Công đoàn Công ty SX TM DV Long Cường (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng.
Tuy nhiên, công ty đã được các DN tham gia ký kết chia sẻ đơn hàng để duy trì việc làm cho NLĐ. “Sự tương tác giữa các DN tham gia thỏa ước nhóm có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định việc làm, thu nhập của NLĐ. Việc tham gia ký kết thỏa ước cũng giúp các đơn vị cùng ngành nghề học hỏi lẫn nhau, từ đó điều chỉnh chính sách chăm lo, đãi ngộ phù hợp” – bà Thiện bày tỏ.
Cao Hường – Hồng Đào/Người Lao động