Tăng số giờ làm thêm cần theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập, thay vì để vắt kiệt sức lao động, ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng sống của người lao động (NLĐ). Đặc biệt, tăng giờ làm thêm cần xuất phát từ sự thỏa thuận, tự nguyện của NLĐ và người sử dụng lao động. Doanh nghiệp cần chú trọng quan tâm đến tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần của NLĐ cũng như tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thời gian NLĐ làm thêm, làm tăng ca.
Làm thêm và những vấn đề đặt ra đối với sức khỏe NLĐ
Theo Báo cáo Điều tra lao động, việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, hiện có gần 41% lao động làm việc từ 40 đến 48 giờ mỗi tuần; 30,8% làm việc trên 48 giờ mỗi tuần. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (33,9%) cao hơn nữ (27,4%). Cả nước có 7,5% số lao động làm việc trên 60 giờ mỗi tuần, cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với 9,3%.
Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được coi là một giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bởi toàn bộ nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn, công ty cần được hỗ trợ khi mà có những nơi số lao động mắc Covid-19 là 20%, thậm chí lên tới 70%, dẫn tới thiếu hụt lao động cục bộ.
Nới trần giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng được những đơn hàng trong thời điểm như hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lẫn NLĐ cũng mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc, với nhu cầu làm thêm hơn 40 giờ/tháng và từ hơn 200 đến 300 giờ/năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.
Thời gian và cường độ lao động là một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của các tổ chức, doanh nghiệp và chính NLĐ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn, cuộc sống gia đình của NLĐ. Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình phục hồi nền kinh tế, nhưng mặt khác phải chú ý đến vấn đề sức khỏe và chất lượng cuộc sống của NLĐ.
Giới chủ, hiệp hội doanh nghiệp đều muốn tăng giờ làm thêm vì mang lại nhiều lợi ích, như giảm khoản đóng Bảo hiểm xã hội, tận dụng sức lao động, chi phí rẻ… Ngược lại, NLĐ hưởng lợi rất ít và phải đánh đổi rất nhiều về sức khỏe, thời gian cho gia đình, con cái và các hoạt động cá nhân khác.
Tại các doanh nghiệp, công nhân thường đảm nhiệm một vị trí cố định trong dây chuyền. Việc thường xuyên phải ngồi hoặc đứng trong quá trình làm việc liên tục nhiều giờ khiến NLĐ mệt mỏi, mất sức. Đây là nguyên nhân khiến không ít nữ công nhân ngất xỉu trong giờ làm thêm, đặc biệt là không còn sức lực, thời gian chăm sóc cho gia đình.
Khi thời gian làm việc tăng lên, NLĐ có thể gặp phải nhiều vấn đề như: mệt mỏi; buồn ngủ; cáu gắt; giảm sự tỉnh táo, tập trung và trí nhớ; thiếu động lực; tăng nhạy cảm với bệnh tật; phiền muộn; đau đầu; chán ăn và các vấn đề tiêu hóa…Nhiều người sau khi đã khỏi Covid-19 gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài, mất tập trung, hô hấp kém… Làm việc liên tục trong thời gian dài, NLĐ sẽ phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm đối với sức khỏe của chính họ cũng như sự an toàn của những người khác và cả dây chuyền sản xuất. Còn một mối lo ngại khi kéo dài ngày và giờ làm việc đó là, NLĐ chỉ có thể thực hiện được rất ít hoạt động như: làm việc, ăn và ngủ.
Việc thiếu thời gian rảnh để nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động chăm sóc gia đình, hoạt động giải trí có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Khi sức khỏe thể chất và tinh thần của NLĐ không được đảm bảo thì nguy cơ xảy ra các sự cố trong quá trình sản xuất là rất lớn. Mặc dù việc làm thêm là thỏa thuận nhưng nhu cầu, áp lực về kinh tế sẽ làm cho NLĐ khó có thể từ chối việc làm thêm giờ.
Thực tế cho thấy, công nhân trong các doanh nghiệp, nhà máy làm việc đến 48 giờ/tuần, thì trong một năm, công nhân phải làm nhiều hơn 400 giờ. Tiếp tục tăng ca, sức khỏe công nhân sẽ suy giảm, dễ xảy ra tai nạn lao động. Dù đây chỉ là quy định về giải pháp tình thế nhằm tháo gỡ khó khăn tạm thời và trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp; hết năm nay, sẽ quay trở lại theo quy định của Bộ luật Lao động kèm với đó là giải pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ của NLĐ trong làm thêm giờ, song vẫn cần phải có những điều kiện đi kèm nhằm bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho NLĐ.
Một số kiến nghị
Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi nhận thấy, để giảm thiểu tối đa những nguy cơ rủi ro về sức khỏe và an toàn lao động trong quá trình thực hiện quy định này cần:
Xem xét các các mối nguy hiểm nghề nghiệp như hóa chất hoặc tiếp xúc với tiếng ồn, các khía cạnh của thiết kế công việc như lịch trình nghỉ ngơi. Những thay đổi trong môi trường hoặc thiết kế công việc đôi khi có thể khiến một ngày làm việc kéo dài được NLĐ chấp nhận hơn.
Quan tâm đến các nhu cầu về tinh thần và cảm xúc của NLĐ. Công việc đòi hỏi sự chú ý liên tục hoặc trí óc căng thẳng có thể sẽ ít phù hợp đối với chế độ ngày làm việc kéo dài. Cần sử dụng thêm thời gian nghỉ ngơi hoặc thay đổi các nhiệm vụ công việc để giúp NLĐ giảm bớt sự căng thẳng của ngày làm việc kéo dài.
Cần coi trọng công tác phòng, tránh bệnh nghề nghiệp, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. Bởi dù có nguồn thu nhập tăng thêm, nhưng nếu sức khỏe của NLĐ bị ảnh hưởng, hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, thì thu nhập đó cũng không đủ bù đắp và không còn ý nghĩa. Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần xem NLĐ là tài sản quý giá để có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, hướng đến đầu tư năng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xem xét các nhu cầu khác về thời gian của NLĐ (chẳng hạn nhu cầu trông giữ trẻ; nhu cầu giải trí, nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa…).
Lắng nghe phản ứng của NLĐ cũng như ý kiến của họ, tìm hiểu mức độ hài lòng của họ khi kéo dài thời gian làm việc; đánh giá mức độ NLĐ chấp nhận và thích nghi với việc kéo dài thời gian này. NLĐ nên chủ động đề xuất về mong muốn làm thêm của cá nhân; công đoàn cơ sở đại diện cho NLĐ đối thoại, thương lượng để trong giai đoạn đặc biệt này, NLĐ sẵn sàng làm hơn giờ so với quy định hiện hành. NLĐ cống hiến cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng bù đắp lại bằng cách tăng lương cho họ và quan tâm đến chế độ bồi dưỡng giữa ca, ăn ca… để NLĐ có sức khỏe.
Cần có quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm minh, trong đó cần nhấn mạnh đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. NLĐ phải được đối xử công bằng, bình đẳng, không vì lý do không muốn làm thêm giờ mà bị gây khó khăn, o ép, thậm chí bị chủ sử dụng lao động tìm cớ để sa thải họ.
Doanh nghiệp có thể thử nghiệm kéo dài thời gian làm việc với một nhóm hoặc một bộ phận sản xuất kinh doanh để đánh giá tình hình thực tế sức khỏe và sức chịu đựng của NLĐ; đánh giá an toàn lao động và các nguy cơ tai nạn lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của NLĐ về mong muốn của họ khi có sự thay đổi trong thời gian làm việc, cụ thể là trong một ngày làm việc kéo dài. Bởi xét trên khía cạnh tâm lý và sức khỏe, sự hồi phục của NLĐ (nhất là những lao động đã mắc Covid-19) khi phải tăng cường độ lao động thông qua kéo dài thời gian làm việc trong khoảng thời gian dài thì cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Do đó, cần có sự giám sát của cơ quan quản lý về phương án làm thêm giờ tại các doanh nghiệp để giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động và tâm lý làm việc của NLĐ.
Hiện nay, quy định của pháp luật giao cho doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về điều kiện lao động, sử dụng NLĐ cho phù hợp và giám sát chính về an toàn, vệ sinh lao động, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Còn với cơ quan quản lý Nhà nước, trước khi làm thêm, doanh nghiệp phải có thông báo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương sẽ tùy theo tình hình mà có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Bên cạnh đó quy định công đoàn cơ sở – tổ chức đại diện của người lao động – phải căn cứ vào thỏa ước lao động tập thể, căn cứ vào hợp đồng giữa người sử dụng lao động với NLĐ để có sự giám sát việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo điều kiện làm việc cho NLĐ và đảm bảo không để NLĐ bị quá sức, gây mất an toàn trong quá trình sản xuất.
Lao động và Công đoàn/ TS. Nguyễn Tuấn Anh – Viện Nghiên cứu thanh niên