Sự lan tỏa của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Sự lan tỏa của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ năm 1989. Với quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua ý nghĩa này, ngày 18/8/2010, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TLĐ về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Tiếp theo, phong trào liên tục được phát động, khen thưởng từng năm. 10 năm thực hiện Chỉ thị (giai đoạn 2010-2020) đã thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia, tạo sức lan tỏa lớn.

Cán bộ Ban Nữ công Tổng Liên đoàn thăm và nắm bắt tình hình lao động nữ tại Công ty TNHH một thành viên Chiến Thắng (Nghĩa Lộ, Yên Bái).

Sau chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-BCH của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 29/01/2011 về công tác vận động nữ CNVCLĐ và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; năm 2020, Tổng Liên đoàn tiến hành tổng kết và ban hành Kết luận số 1500b/KL-TLĐ ngày 08/01/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH ngày 29/01/2011 của BCH Tổng Liên đoàn và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ trong tình hình mới.

Góp phần hoàn thành nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị

Giai đoạn 2010 – 2020, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được triển khai gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành – Trách nhiệm – Liêm chính – Sáng tạo” xây dựng cơ quan văn hóa, “Ngày làm việc 8 giờ có chất lượng hiệu quả” và phong trào “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”… Từ đó, nữ CNVCLĐ xác định rõ ý thức trách nhiệm của mình trong công việc, tận tụy, gương mẫu, có nhiều đề tài khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị.

Hằng năm có trên 95% nữ CNVCLĐ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và có trên 90% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu, nhiều nữ CNVCLĐ được Đảng, Nhà nước, các cấp công đoàn biểu dương, khen thưởng.

Để phù hợp với yêu cầu của phong trào thi đua ở từng lĩnh vực, ngành nghề, mỗi đơn vị lại cụ thể hóa nội dung và tên gọi phong trào phù hợp: Nữ CNVCLĐ ngành Ngân hàng có phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”; Công đoàn ngành Giáo dục có phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; Công đoàn ngành Y tế có phong trào “Thực hiện 12 điều y đức, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nữ CNVCLĐ ngành Than – Khoáng sản với phong trào “Mẹ lao động giỏi, con học giỏi”…

Giao lưu Câu lạc bộ khối Sản xuất kinh doanh với chủ đề “Nâng cao hiểu biết pháp luật – dân số – sức khỏe trong nữ công nhân lao động” do Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Nhằm ghi nhận thành tích tiêu biểu xuất sắc cũng như những đóng góp trong công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNVCLĐ, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và để đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, từ năm 2015 đến năm 2020, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xét tặng Cờ cho 255 tập thể, tặng Bằng khen cho 1.178 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Trong dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-BCH và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ, Tổng Liên đoàn tặng 41 Cờ, Bằng khen cho 70 tập thể, 111 cá nhân. LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tặng 565 Cờ, Bằng khen cho 1.249 tập thể và 4.625 cá nhân thuộc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Tặng 1.014 Cờ, Bằng khen cho 4.057 tập thể và 17.399 cá nhân thuộc CĐCS.Một số tỉnh, thành phố, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực động viên nữ CNVCLĐ tham gia phong trào thi đua như: Hội nghị biểu dương CNVCLĐ giỏi; tổ chức sinh hoạt tổ nữ công, bình xét danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hội nghị tổng kết thi đua trong nữ CNVCLĐ theo từng giai đoạn và biểu dương nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu xuất sắc; tổ chức gặp mặt nữ cán bộ công đoàn chuyên trách; tổ chức thi cán bộ nữ công giỏi, hội thi “Nữ thanh niên công nhân duyên dáng”, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…

Hai năm gần đây, bên cạnh các hoạt động chung về chăm lo cho NLĐ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các cấp công đoàn đã nỗ lực vượt khó khăn, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện phong trào, có sức lan tỏa rất lớn, thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia. Qua đó, phát huy tiềm năng sáng tạo của nữ CNVCLĐ, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, luôn tận tụy, sáng tạo, đổi mới tư duy để vươn lên đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Phong trào cũng khơi dậy và khích lệ chị em nêu cao vai trò, chức năng của người mẹ hiện đại, người công dân tốt, người vợ hiền đảm đang, để dung hòa các trách nhiệm của người phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ công năm 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Một số tồn tại, hạn chế

Thông qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nữ CNVCLĐ đã có nhiều nỗ lực phấn đấu tham gia lãnh đạo và ngày càng có nhiều cán bộ nữ giữ trọng trách trong các cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Nhờ đó, nữ cán bộ, công chức có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng giới của mình thông qua việc tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới; được cử đại diện trong các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật nêu trên, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai Nghị quyết số 6b/NQ-BCH và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ở một số công đoàn còn hình thức, chưa sát với thực tế. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu chủ động.

Phong trào phát triển chưa đồng đều, tập trung chủ yếu trong đội ngũ nữ CNVCLĐ khối hành chính sự nghiệp, khối giáo dục; ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước ngày càng phát triển với lực lượng CNLĐ trẻ; nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất chiếm tỷ lệ cao.

Việc triển khai và bình xét danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” có nơi còn hình thức, lúng túng, tỷ lệ nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất được khen thưởng chưa tương xứng. Nguyên nhân ngày càng có sự chênh lệch về trình độ, điều kiện làm việc, điều kiện sống giữa lao động nữ khối hành chính sự nghiệp với CNLĐ tại các KCN, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Kinh phí dành cho hoạt động nữ công, cho tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng còn hạn hẹp, mức thưởng và tỉ lệ khen thưởng chưa tương xứng với kết quả phong trào, chưa động viên được chị em.


Giải pháp thúc đẩy phong tràoHằng năm có trên 95% nữ viên chức, công nhân lao động đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Dệt may Thành Công (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: An Phương.

Giải pháp thúc đẩy phong trào

Thứ nhất, đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong nữ CNVCLĐ, gắn với dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Chọn lựa các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của các đối tượng nữ CNVCLĐ trong các khu vực kinh tế khác nhau; chú trọng ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các KCN, KCX có đông lao động nữ.

Thứ hai, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp, đặc biệt là Ban Nữ công quần chúng; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác nữ công; phối hợp với chuyên môn tạo điều kiện về cơ sở vật chất và thời gian để cán bộ nữ công hoạt động; quan tâm công tác quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, nâng tỷ lệ cán bộ tham gia.

Thứ ba, đổi mới nội dung và hình thức thực hiện các phong trào thi đua trong nữ cán bộ, CNVCLĐ mà điển hình là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập và lao động sáng tạo, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc” phù hợp với tình hình đặc thù của ngành, địa phương, đơn vị trong bối cảnh bình thường mới, bởi đây là một nội dung thi đua nòng cốt đặc biệt quan trọng của hoạt động nữ công nói riêng và hoạt động công đoàn nói chung.

Thứ tư, vận động nữ CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, tay nghề, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.

Thứ năm, tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu của Nghị quyết số 6b/NQ-BCH, Chỉ thị số 03/CT-TLĐ và hằng năm, phấn đấu đạt 90% trở lên nữ CNVCLĐ khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và 40% trở lên nữ CNVCLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tham gia, thực hiện phong trào thi đua và đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

————–

ThS. Đỗ Hồng Vân – Quyền Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

 

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*