Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất một ứng dụng di động nhằm tăng tương tác giữa chính quyền và người dân
Theo Giám đốc Sở Thông tin truyền thông (TT-TT) Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Lâm Đình Thắng, thành phố sẽ triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân.
Trưa 8-1, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 do UBND TPHCM tổ chức, lãnh đạo các sở, ngành, TP Thủ Đức, quận, huyện và các tổng công ty đã góp ý, đưa ra nhiều giải pháp góp phần phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
* Giám đốc Sở TT-TT TPHCM LÂM ĐÌNH THẮNG: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số thần tốc
Trong năm 2022, Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ về tổ chức lại cơ chế chỉ đạo điều hành và hình thành các chính sách nền tảng, đòn bẩy. Thành phố cần thống nhất các Ban chỉ đạo về chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử thành một Ban chỉ đạo duy nhất do đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM làm Trưởng ban để thống nhất trong chỉ đạo.
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp với những mục tiêu cao như cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm (đối với những dịch vụ công đủ điều kiện).
Đặc biệt, thành phố sẽ triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân và ngược lại, giữa người dân với chính quyền. Theo đó, người dân chỉ cần vào một app duy nhất để giao tiếp với chính quyền thành phố ở các lĩnh vực, được phản ánh trên tổng đài 1022, được nhận kết quả dịch vụ công, được tra cứu thông tin trên hệ thống bản đồ chung, đánh giá sự hài lòng đối với từng xã, phường, thị trấn. Thông qua ứng dụng, chính quyền thành phố cũng sẽ có công cụ truyền thông, khảo sát người dân trên diện rộng nhanh và chi phí thấp; đồng thời lãnh đạo thành phố có thể biết kết quả từng phường xã, thị trấn giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp để phát triển công dân số, xã hội số.
Liên quan đến vấn đề dữ liệu, thành phố tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho cơ sở dữ liệu dùng chung. Thành phố tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ, khai thác Kho dữ liệu dùng chung trong phòng chống, dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. TP hiện có hơn 144.000 người nghèo, nhiều khả năng một số người không nhỏ không có điện thoại thông minh. Do đó, cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để vừa không để ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển thần tốc của chuyển đổi số, vừa tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số tại TPHCM.
* Chủ tịch UBND TP Thủ Đức HOÀNG TÙNG: Tạo điều kiện thuận lợi cho TP Thủ Đức phát triển
Qua thực tiễn xây dựng chính quyền đô thị tại TP Thủ Đức, nhằm đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới theo định hướng phát triển chung của TPHCM, UBND TP Thủ Đức đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho TP Thủ Đức phát triển theo đúng định hướng đã đề ra.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời, kiến nghị số lượng biên chế công chức, viên chức được sử dụng đến năm 2026 tại TP Thủ Đức là 3/4 số lượng biên chế tại thời điểm sáp nhập 3 quận; xem xét, quy định số lượng cấp phó ở địa phương. UBND TPHCM xem xét kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định về số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo hướng xem xét đến quy mô dân số để bố trí biên chế phù hợp thực tiễn ở cơ sở, đảm bảo công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
* Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ quan Nước ngoài TPHCM NGUYỄN TƯƠNG MINH: Sớm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp
Để cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tôi kiến nghị lãnh đạo TPHCM dành nhiều thời gian định kỳ thăm và làm việc với các doanh nghiệp nhằm nắm các hoạt động của các doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ quan Nước ngoài TPHCM Nguyễn Tương Minh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng khi doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị các sở, ngành, TPHCM thì chậm được giải quyết làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các sở, ngành khi trả lời tháo gỡ các nội dung khó khăn cho doanh nghiệp phải có hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện. Trong công tác quy hoạch, TPHCM nên dành quỹ đất để xây dựng khu ngoại giao đoàn, vì TP là trung tâm kinh tế – xã hội lớn nhưng hiện nay chưa có quỹ đất nào cho việc này.
* Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM HỨA QUỐC HƯNG: Tham mưu xây dựng khu công nghiệp mới
Trong năm 2022, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM tập trung 2 nội dung lớn.
Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM Hứa Quốc Hưng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thứ nhất, Ban tham mưu cho TPHCM và Chính phủ thành lập 1 khu công nghiệp mới, đó là Khu công nghiệp Phạm Văn Hai với quy mô 668ha và 90ha là khu dân cư liền kề và nhà trọ, nhà ở cho công nhân. Bởi vì đã từ rất lâu, TPHCM chưa có khu công nghiệp mới, trong khi các tỉnh bạn, quỹ đất cho công nghiệp rất nhiều. Cụ thể, giai đoạn từ 2010 – 2015, TPHCM đi đầu trong nhóm các tỉnh, TP về khu công nghiệp, chỉ số công nghiệp dẫn đầu cả nước. Nhưng từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp càng ngày càng hạn chế. Hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê. Do đó, Ban sẽ tham mưu cho lãnh đạo TP trong vấn đề tạo quỹ đất, tìm kiếm quỹ đất để thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Thứ hai, Ban sẽ tập trung tham mưu cho TP chuyển đổi dần các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn phù hợp trong giai đoạn sắp tới. Vì TPHCM đã trải qua hơn nửa chu kỳ sử dụng của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp, đến nay đã lạc hậu dần. Hiện Ban đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM xây dựng đề án chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất cho giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2040 khi chấm dứt đầu tư khu công nghiệp đầu tiên.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM kiến nghị UBND TP phân cấp, ủy quyền. Hiện nay, về phân cấp ủy quyền, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản hướng dẫn theo từng lĩnh vực; đặc biệt là lĩnh vực môi trường. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM từ khi thành lập năm 1992 đã thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ với tất cả các đầu mối tập trung về Ban như: cấp phép đầu tư, cấp phép lao động, cấp phép xây dựng, cấp phép môi trường… nhưng từ năm 2017, khi các văn bản quy phạm pháp luật ra đời thì các lĩnh vực này Ban không còn quản lý nữa mà phải liên hệ các sở, ngành, quận, huyện liên quan.
——————-
MẠNH HÒA – ĐÌNH LÝ/SGGP